Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Mùa giáng sinh trong tôi

Tiết trời gần đến giáng sinh càng lạnh dần. Những cành cây khẳng khiu trơ trọi lá như những bàn tay muốn ôm lấy một chút yêu thương ấm áp cho riêng mình. Bầu trời chợt xám xịt và âm u hơn,như mong ngóng tia nắng xua tan đi băng giá và làm bừng lên ánh hồng tươi sáng của bình minh ơn cứu độ.Trong khi đó, phố phường rực rỡ đủ ánh đèn với đủ loại, đủ màu sắc và kích cỡ. Đường xá đông đúc hơn, người ta chen chân nhau ra đường để đi ngắm đèn và xem hang đá. 
Đêm 23. Nó trở về nhà sau một ngày dài làm việc cùng với việc tập văn nghệ để chuẩn bị chương trình vui ca giáng sinh. Đi bộ tới đầu con hẻm nhỏ vào nhà, nó thở phào nhẹ nhõm vì mọi thứ tập dợt và chuẩn bị đã xong. Dù rất mệt nhưng nó rất vui vì cùng với anh chị em đóng góp công sức nhỏ bé của mình.Nó thầm tạ ơn Chúa. Nó vẫn bước tung tăng hết con hẻm nhỏ, tới trước cửa nhà,nó ngước nhìn ngôi sao điện nhấp nháy trên cao, bỗng dưng, lòng nó chùn xuống. Nó ngồi phịch trước cổng nhà, lòng thấy trống vắng khôn tả. Và nó nhận ra...ngôi nhà của mình thật lạnh lẽo vì thiếu vắng một hang đá Bêlem xa xưa.
Nó ngồi thừ ra và bắt đầu nghĩ ngợi. Nó biết việc làm hang đá không phải chỉ để trưng bày cho đẹp nhưng là để tôn vinh Ngôi Hai Con Chúa làm người. Và riêng đối với nó, được chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ đơn sơ và trò chuyện với Ngài mỗi đêm trong mùa Giáng Sinh là những khoảnh khắc tuyệt vời và hạnh phúc nhất. Nó nhớ lại những mùa noel trước. Dù nhà nó chật chội nhưng cũng đủ không gian để nó tự tay làm một hang đá nhỏ xinh. Xung quanh toàn là Lương dân nên chỉ có một mình nhà nó lo dọn dẹp và trang trí đón giáng sinh mà thôi. Nhưng khi nó làm xong hang đá, dù hang đá nó làm không to và hoành tráng nhưng bà con và các em nhỏ trong xóm vẫn thường tụ tập lại để xem ngắm. Đặc biệt là các em nhỏ cứ rộn ràng đòi người lớn chụp hình và chỉ vào hang đá tíu tít hỏi" chị ơi, cái tượng này là ai vậy chị ?" Nó khẽ cười vui và nói"Chúa Hài Đồng Giêsu đó các em". Rồi nó kể cho các em nghe về câu chuyện Chúa Giáng Sinh. Các em tròn xoe mắt chăm chú lắng nghe thật đáng yêu làm sao! Nó vui lắm! Nó biết dù rằng trong lòng bà con và các em nhỏ nơi đây chưa ý thức được sự hiện diện của Chúa nhưng nó tin họ không chỉ bị thu hút bởi ánh đèn lung linh mà hơn hết chính là sức hút mầu nhiệm Tình Yêu của Con Chúa và vẻ đẹp huyền diệu tỏa ra nơi hang đá Bê lem. Nó cảm thấy hạnh phúc vì ít ra mình cũng góp một phần nhỏ đem Chúa Giáng Sinh đến cho bà con nghèo nơi xóm nhỏ ven sông này. 
Và nó vẫn thường viếng hang đá ngay trước nhà mỗi đêm rồi mới đi ngủ. Nó thấy lòng ấm áp và chìm đắm trong bình an cùng tình yêu của Con Thiên Chúa làm người. Chứ không phải như lúc này, chỉ một mình nó đang ngồi trong bóng đêm cô độc lạnh lẽo cùng với ánh đèn neon nhấp nháy vô hồn. Nó bỏ quên điều gì chăng? Nó tự hỏi và thấy bối rối quá đỗi. Đôi lúc ta cứ lo làm việc này việc nọ mà ta cứ nghĩ đó là tất cả những gì quan trọng nhất và đẹp lòng Chúa rồi, nhưng khi ta nhìn lại và lắng đọng với Ngài thì ta thấy mình thật thiếu sót và những điều Ngài muốn luôn vượt lên trên suy nghĩ thấp hèn của loài người. Nó hoang mang và buồn lắm. Vì nó không muốn đón Chúa Giáng Sinh một như một lễ hội trần tục và hào nhoáng như xã hội và những ánh đèn rực rỡ vô nghĩa ngoài kia ! 
Nó lê từng bước nặng nhọc vào nhà, quăng mình xuống giường và chạy ùa vào dòng ký ức của một giấc mơ thân thương. Nó thấy mình đang đứng trước hang đá Bê lem. Cảnh vật xung quanh phủ một màu trắng của băng tuyết. Cái lạnh đến rợn người. Nó định chạy đi để trốn cái lạnh nhưng nó ngó vào hang đá và thấy Chúa Hài đồng vẫy tay gọi nó " Con có muốn vào đây và trở thành một sợi rơm trong máng cỏ để sưởi ấm Ta không?"....
Nó choàng tỉnh giấc sau một giấc ngủ đêm dài lạnh lẽo. Những tia nắng mai lung linh nhảy múa trên những cành lá truớc hiên nhà. Nó tự nhủ "hôm nay là 24. Giáng sinh đến thật rồi.!". Giấc mơ đêm qua đẹp quá! Và nó muốn biến giấc mơ thành sự thật. Nó vội ra khỏi giường và lục tìm trong tủ đồ lưu niệm cũ. Nào là giấy bóng, dây kim tuyến, các tượng bò lừa và mục đồng, mẹ Maria và Thánh Giuse. Nó nhìn vào tượng Chúa Hài Đồng đã bám bụi. Nhưng lạ quá! Nó thấy Ngài như đang mỉm cười. Lòng nó thấy ấm áp và hân hoan. Nó biết không có gì là muộn màng.Nó khẽ gọi " Chúa Hài Đồng ơi!..."
Viết trong tâm hồn

Hoa Xương Rồng

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM A

LỜI CHÚA : Mt 3, 1-12
Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng : “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo : “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng : Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.
Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.
Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng : “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng : tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay : Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối ; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.
Suy Niệm:
Gioan kêu gọi mọi người ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần. Ăn năn sám hối nghĩa là thay đổi cuộc sống, thay đổi tư tưởng và thay đổi những hành động không phù hợp với ý Chúa, không xứng hợp với đời sống người Kitô hữu, để bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp. Hay nói cách khác là dẹp bỏ những chướng ngại lớn nhất trên con đường trở lại với Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin giúp chúng con nhìn ra con người yếu hèn của mình. Xin cho chúng con khám phá ra những ngăn trở làm chúng con không đến được với Cha, không đến được với anh chị em chúng con, làm cho chúng con đánh mất chính mình.
Xin cho chúng con biết tìm về tận căn của những lỗi phạm ấy và làm một cuộc hoán cải đúng nghĩa, để nhờ hoa trái của lòng sám hối, chúng con đáng được Cha thương trong ngày đó. Amen.


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Niệm khúc mùa đông

Tháng 12 đã về!
Chiều đông. Tiết trời se lạnh. Những làn gió đông khẽ lay nhẹ cành lá. Tôi khoác lên mình chiếc áo dài tím.Tôi tự nhắc mình rằng : Mùa Vọng đến rồi ! Tôi ngắm mình trong gương, bỗng dưng thấy mình rạng ngời và...đẹp hơn ngày thường rất nhiều trong màu áo tím. Tôi khẽ cười rồi dắt xe đạp ra, không hiểu sao hôm nay tôi không thích đi đến nhà thờ dâng lễ bằng xe máy, tôi hòa mình vào dòng xe cộ đông đúc. Từng vòng bánh xe cứ quay đều đều như những vòng quay điên đảo của cuộc sống nhưng nó không làm vội vã bước chân cuả tôi, tôi vẫn đạp xe thong thả, miệng khẽ hát " xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến...". Tôi thấy mình bình an, vui mừng và hân hoan. Tôi không nghĩ trong lòng mình lại háo hức mong chờ mùa vọng đến như vậy!
Quang cảnh nhà thờ vẫn rất thân thuộc nhưng sao tôi thấy không gian, cây côí và mọi người xung quanh như đang mặc lấy màu tím của mùa vọng này. Mọi người như được xích lại gần nhau hơn, từng nụ cười,từng ánh mắt, từng câu nói chào nhau khi gặp nhau trước, trong và sau thánh lễ như rộ hẳn lên niềm vui tươi. Lòng người như ấm áp hơn giưã Tình Chúa và tình người trong những ngày đông này. Chủ tế mặc áo lễ màu tím, ca đoàn mặc áo tím, những ngọn nến và những bông hoa trên cung thánh màu tím,phía dướí cộng đoàn xen lẫn giưã những chiếc áo đủ màu là những chiếc áo tím đơn sơ nhưng lại nổi bật hơn hẳn. Cùng với tâm tình của bài Tin Mừng trong Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng này đó là " Hãy tỉnh thức và sẵn sàng để đón chờ Chúa đến" như gợi mở ra trong lòng mỗi người những tâm tình lắng đọng sâu xa, tôi và mọi người đang hướng lên phía trên cung thánh - nơi Mình Thánh Chúa ngự như cùng một tâm tình, cùng một niềm mong đợi hướng về trời cao. Tất cả dệt nên một bức tranh thánh lễ màu tím thật đẹp và ấm áp, tím của đợi chờ trong niềm vui.
Lạy Chúa, Mùa Vọng về mang theo những ngày đông dài lạnh giá làm lòng con càng thêm thấm thiá được cái lạnh lẽo cuả cuộc đời chúng con nếu không có Chúa. Đôi lúc con tự hỏi tình cờ hay là một mầu nhiệm mà Chúa lại đến với nhân loại chúng con trong mùa đông lạnh lẽo như thế? Mùa đông lạnh lẽo của đất trời cũng chính là mùa đông lạnh lẽo cuả xã hội và của từng người chúng con. Chúng con đang lạnh lẽo trong những băng giá cuả tội lỗi. Và chính vì Chuá biết chúng con đang lạnh lẽo, đang thiếu hơi ấm của Tình Yêu nên Chúa đã đến để làm ấm lòng chúng con bằng Tình Yêu của Chúa. Và những ngày được sống trong niềm tỉnh thức ngóng trông đợi chờ Chúa đến là những ngày hạnh phúc của chúng con.
Xin Chúa cho chúng con không chỉ sống tâm tình tỉnh thức trong mùa vọng này mà là mỗi giây, mỗi phút,mỗi ngày trong đời, chúng con luôn mặc cho mình chiếc áo tím không chỉ là bên ngoài mà là tím trong tâm hồn chúng con, màu tím cuả sự mong chờ,và cũng chính là màu hi vọng cho chúng con,để tâm hồn lạnh giá và khô cằn chúng con luôn biết mở lòng mình ra để đón chờ Chúa đến bằng một thái độ hân hoan, sẵn sàng và tỉnh thức hơn. Amen!

Viết trong tâm hồn
Hoa Xương Rồng


Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A

LỜI CHÚA : Mt 24, 37-44
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng : “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.
Nhưng các con phải biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.
Suy Niệm:
Con người không biết trước được mình sẽ chết lúc nào, chết ở đâu, chết bằng cách nào ?... Thế nhưng một điều có thể chắc chắn là ai ai cũng phải chết. Chết không phải là điều đáng sợ, nhưng chết làm sao mới là điều phải quan tâm.
‘Sống sao thác vậy’. Sống trong ơn lành, chết trong bình an. Sống trong tình yêu thương, chết trong niềm hạnh phúc.
Mỗi người chỉ chết một lần, và điều gì đi sau cái chết sẽ mãi mãi không bao giờ đổi thay. Chúng ta sẽ sống thế nào để khi giờ Chúa đến chúng ta được thanh thản ra đi mà không phải hối tiếc.
Cầu Nguyện:
Lạy Cha, hôm nay toàn thể Giáo Hội chúng con bước vào mùa vọng. Mùa mà Giáo Hội dành đặc biệt để thúc giục con cái mình chuẩn bị sẵn sàng và thức tỉnh luôn, để đón mừng ngày Ðức Giêsu đến lần thứ hai.
Lạy Cha, xin ban Thánh Thần của Cha đến mỗi người trong gia đình chúng con, giúp chúng con biết khôn ngoan chuẩn bị cho mình một cuộc ra đi bình an vào cõi vĩnh hằng. Xin cho chúng con biết chọn lựa cái bất diệt chứ không phải cái mau qua. Ðể chúng con được hân hoan trong ngày trình diện Cha, và chúng con sẽ mãi mãi sống trong ân tình và hạnh phúc bên Cha. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN – C ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

LỜI CHÚA : Lc 23, 35-43
Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế giễu Người và đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người Này Là Vua Dân Do Thái”.
Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao ? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu ?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Suy Niệm:
Trên thập giá, trước sự nhạo cười của dân chúng, lời chế giễu của quân lính, sự sỉ nhục của kẻ trộm cùng bị đóng đinh, Ðức Giêsu vẫn thinh lặng. Xem ra Ngài hoàn toàn thất thế, là kẻ chiến bại, vì trước con mắt người đời, Ðức Giêsu chẳng còn chút giá trị.
Thế nhưng, tại sao anh trộm lành lại van xin: “Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi ?”. Đây hẳn là một lời cầu xin tha thiết của kẻ có lòng tin.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều làm con ngỡ ngàng: Tại sao Chúa lại im lặng ? Tại sao Chúa không tỏ uy quyền của Chúa ra một chút ? Tại sao giữa lúc thất thế của Chúa mà anh trộm lành lại có một niềm tin vững mạnh để tuyên xưng vào vương quyền của Chúa ?
Vâng, chỉ có Vua Tình Yêu trong Vương Quốc Tình Yêu mới có thể nhẫn nại, yêu thương trước những ngỗ nghịch như thế. Tình yêu được tràn lan đến hết mọi người, không phân biệt tốt, xấu. Chính vì thế anh trộm tội lỗi đã được mạc khải một huyền nhiệm cao siêu về Nước Trời. Cùng với tâm tình của anh trộm lành, chúng con xin thưa lên với Chúa: Chúng con kính tôn Chúa là Vua của chúng con, xin đón nhận chúng con vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa. Amen.



Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C

Phúc Âm: Lc 21, 5-19
"Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời giờ đã gần đến'. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".
Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".

Suy Niệm:
Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm C
Malaki 4,1-2a (theo Vulgata); 3,19-20a (theo HyLạp); 2 Thessalonica 3,7-12; Tin Mừng Luca 21,5-19
Sẽ có ngày cả thế giới và vũ trụ này biến đổi. Bao giờ, thế nào và có những dấu hiệu nào báo trước: đó là những câu hỏi mà luôn luôn người ta muốn biết? Người ta cố vặn vẹo các bản Kinh Thánh để đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Và các đoạn sách chúng ta đọc hôm nay cũng đã giải thích, khai thác rất nhiều.
Do đó chúng ta càng phải thận trọng khi tìm hiểu những bài Kinh Thánh này. Chúng ta sẽ trung thành và cởi mở đón nhận giáo huấn của Chúa chứ không tìm cách thỏa mãn tính tò mò tự nhiên về thời tận thế hay về lúc thời cơ biến đổi.

1. Sẽ Ðến Ngày Của Chúa
Trước hết chúng ta thường quan niệm tận thế là lúc tất cả thế giới và vũ trụ này đều biến đổi. Ðó cũng là ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại để mở cuộc chung thẩm, chấm dứt nếp sống trần gian và mở ra đời sống vĩnh cửu. Ngày ấy cũng thường được đồng hóa với ngày của Thiên Chúa mà các sách Cựu Ước và nhất là các sách tiên tri thường nói đến. Ít ra chúng ta vẫn coi những điều Cựu Ước viết về ngày của Thiên Chúa như là những mạc khải đầu tiên và xa xôi nhất về ngày trở lại của Ðức Giêsu, cũng còn được gọi là ngày thế mạt. Nhưng sự thật không quá đơn sơ như vậy.
Và ngay từ đầu chúng ta phải có những quan niệm rõ ràng. Nói đúng hơn, chúng ta phải cố gắng hiểu những từ ngữ trên cho thật đúng kẻo tư tưởng và đức tin đâm ra lộn xộn.
Nói một cách chung, khi nghe Cựu Ước nói đến ngày của Thiên Chúa thì chúng ta phải đặt mình vào trong tâm lý của người Do Thái mà tìm hiểu. Chẳng hạn bài sách Malaki hôm nay: Chúng ta sẽ không hiểu đúng, nếu không đặt nó vào khung cảnh của thời bấy giờ. Khi ấy vào khoảng năm 450 trước Ðức Giêsu ra đời; và là khoảng 40 năm sau khi con cái Israel lưu đày ở Babylon trở về. Những người này đang gặp nhiều khó khăn cả về vật chất và nhất là về tinh thần. Chúa đã không hứa đưa dân lưu đày trở về một cách vinh quang ư? Người bảo đền thờ sẽ được xây lại một cách huy hoàng. Sion sẽ bừng sáng dưới ánh quang vinh của Người, khiến dân muôn nước sẽ đổ về thờ lạy ở Giêrusalem.
Nhưng sự thực, ngày trở về đâu có hiển hách gì? Chỉ có một nhóm ít người đã được nhờ ơn Hoàng đế Ba Tư trở lại khôi phục xứ sở. Về đến nơi, toàn "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Ðền thờ thì đổ nát, đất đai thì dân ngoại đã lấn chiếm... Thấy lệnh của Hoàng đế cho phép tái thiết thánh đường và cho phép dân lưu đày được chiếm lại đất đai, đám dân ngoại đâu có vui vẻ gì... Họ làm hết cách để cản trở. Họ khiến con cái Israel phải ngã lòng. May nhờ có Ezra và Nêhêmya mang uy tín và tiền nong của hoàng đế về giúp đỡ. Người Do Thái đã xây lại được một phần nhỏ của Giêrusalem ngày trước. Nhưng độc lập dân tộc đâu có thấy: nay Ai Cập xâm chiếm, mai Hy Lạp đô hộ. Chẳng thấy thời đại thiên sai đâu cả! Có lẽ vì vậy mà ngay đến hàng tư tế cũng đâm ra chán nản, không còn trung thành với sứ mạng phục vụ Lời Chúa và Bàn Thờ nữa. Giáo dân thì khỏi nói: Họ chểnh mảng lễ lạc và kinh kệ. Rồi đời sống luân lý xã hội cũng sa sút theo: gian thương bóc lột, phóng túng ngoại tình, chẳng còn đâu phân biệt được là dân của Chúa. Như vậy có phải là Người đã không trung thành giữ Lời đã Hứa? Và đã bỏ dân? Chấp nhận để thế giới và xã hội này nằm trong tay sự dữ và kẻ dữ? Nhiều người, ngay cả những người đạo đức nhất, cũng đang gặp khủng hoảng về niềm tin. Chúa sẽ trả lời thế nào?
Người sai Malaki và các ngôn sứ đến. Họ nói Lời của Người. Và bài sách hôm nay ghi lại những tư tưởng chính yếu nhất. Trước hết Ngày của Thiên Chúa sẽ đến. Ðừng tưởng mọi sự sẽ như thế này mãi. Thiên Chúa không bỏ dân Ngài. Sự dữ không thống trị mãi... Rồi ngày ấy sẽ phừng phừng cháy như một hỏa lò. Hình ảnh này được chọn vì "tất cả phường kiêu mạn và làm điều phi pháp chỉ là rơm rạ". Và như vậy Ngày của Thiên Chúa sẽ là lúc Người tiêu diệt, trừng phạt kẻ dữ, "không để lại cho chúng một rễ hay một cành".
Nhưng hình ảnh hỏa lò phừng phừng cháy cũng có ý nói về Thiên Chúa. Biết bao lần các sách Cựu Ước dùng hình ảnh "lửa" đi qua các miếng thịt mà Abraham đã phân ra. Người hiện ra với Môsê nơi một bụi gai cháy. Người dùng cột lửa cột mây dẫn dân trong sa mạc. Người lấy lửa thiêu đốt lễ vật của Êli... Thường khi các tác giả Thánh kinh cũng còn ví cơn thịnh nộ của Chúa như lửa... Do đó ở đây, Malaki muốn nói tới Ngày của Chúa có khía cạnh trừng phạt tiêu diệt kẻ dữ như lửa đốt cháy rơm rạ và cành khô. Sự thánh thiện nóng nảy của Người thiêu hủy tội lỗi và tội nhân như than hồng tẩy sạch môi miệng Isaia.
Nhưng đó chỉ là một mặt, sửa soạn cho một mặt khác. Ðức Nghĩa của Thiên Chúa, sự thánh thiện của Người sẽ hiện ra như mặt trời, và nói đúng hơn, như ánh sáng mặt trời vì chính Thiên Chúa mới là mặt trời. Người tỏa sự thánh thiện của Người như ánh sáng chiếu trên người công chính và chữa lành họ, tức là cứu họ ra khỏi tình trạng thua thiệt hiện nay...
Như vậy, những lời Malaki hôm nay không trực tiếp nói về ngày thế mạt, chung thẩm như chúng ta thường hiểu là ngày tận thế. Ðó là lời tiên tri về Ngày Chúa viếng thăm cứu độ dân Người sau những thời gian thử thách nặng nề. Có nhiều ngày trong lịch sử dân Chúa đã thực hiện quan niệm Ngày của Chúa. Nhưng tất cả những ngày cứu độ ấy cuối cùng chỉ là hình bóng báo trước Ngày Thiên Chúa cứu độ trong Ðức Giêsu Kitô... Chính việc Ðức Giêsu đến trong thế gian, giáo huấn và công việc của Người đã xét xử vì đã phân biệt kẻ tin người không tin, kẻ lành và người dữ. Sự xét xử này dĩ nhiên chưa toàn diện và quyết liệt vì loài người còn tiếp tục sinh ra trong thời gian. Khi nào Ðức Kitô trở lại thì sẽ có cuộc chung thẩm vì không còn có tạo vật mới nữa, nhưng tất cả đều nhìn thấy vinh quang của Người mà phân ra làm hai: hoặc đi vào luận phạt của "hỏa ngục" hoặc đi vào thiên đàng là nơi sáng láng rực rỡ.
Do đó lời sách Malaki và những lời tiên tri khác về "Ngày của Thiên Chúa" cuối cùng vẫn áp dụng được cho Ngày Ðức Kitô trở lại phán xét kẻ lành người dữ, nhưng một cách gián tiếp và xa xôi thôi. Trong các sách Tân ước có những lời trực tiếp hơn hay không?

2. Sẽ Có Ðiềm Báo Trước
Theo các sách Tin Mừng - mà tác phẩm của Luca là một - Ðức Giêsu đã nói về thời gian thế mạt vào những ngày cuối đời sống trần gian của Người. Môn đồ trỏ cho Người thấy, đứng ở nơi cao nhìn xuống, đền thờ Giêrusalem khi có ánh mặt trời tỏa xuống trông đẹp biết bao! Ai chối được điều này. Nhưng Ðức Giêsu đã nhìn xa hơn hiện tại. Người thấy trước ngày mà cơ sở huy hoàng kia sụp đổ đến nỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Môn đệ hỏi Người bao giờ điều ấy xảy ra? Người tựa vào câu hỏi để nói đến biến cố vĩ đại hơn nữa, mà việc Giêrusalem sụp đổ chỉ là hình bóng, cũng như Người đã tựa vào lời khen quang cảnh đền thờ trước mắt để nói sang định mệnh của nơi thờ phượng này. Do đó, việc tiên báo về số phận đền thờ là lời mở đầu báo trước thời cánh chung.
Các tác giả Matthêô và Maccô đã thuật lại nhiều lời tiên báo này. Tựu trung họ đã dùng hình ảnh của Cựu ước và văn chương Khải huyền thời bấy giờ về Ngày của Thiên Chúa để diễn tả ngày thế mạt và chung thẩm. Có thể nói họ không có ý kiến mới và hình ảnh mới. Vẫn là cảnh trời long đất lở, cảnh lửa cháy phừng phừng, trừng phạt kẻ dữ... thưởng công người lành. Tác giả Luca sẽ có lời lẽ như vậy ở đoạn sau của bài đọc hôm nay. Và chúng ta đã có đại ý trong bài sách Malaki rồi.
Nhưng chúng ta hãy chú ý đến lời Luca nói đến cách Chúa tiên báo những điều trước. Người báo sẽ có các tiên tri giả đến lừa gạt tín hữu; và sẽ có những tin tức về chiến tranh và nổi loạn. Rồi như chưa rõ đủ, Người còn thêm: Sẽ có dân này chống lại dân kia; sẽ có động đất, ôn dịch, đói kém và nhiều điều kinh khủng trong trời đất... "Nhưng chưa phải là cùng tận ngay đâu".
Chớ gì chúng ta biết chú trọng đến câu kết luận này. Theo Luca, Chúa không dính liền thời gian cùng tận và những hiện tượng xã hội và thiên nhiên vừa kể. Do đó đừng ai nghĩ chiến tranh, đói kém, thiên tai... là dấu sắp tận thế. Về ngày giờ ấy chính Con Người cũng không biết để mạc khải cho ta, thì ta đừng nghĩ có thể khẳng định những điểm nào chắc chắn sẽ báo trước Ngày Ðức Kitô trở lại... Người sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm.
Có điều chắc chắn là khi còn ở xa, và rất xa ngày tận cùng, sẽ có bắt đạo. "Người ta sẽ tra tay trên các ngươi vì Danh Ta". Ý Người muốn nói: do đó các ngươi phải mừng vì là lúc các người được tỏ hiện như Người đã tuyên chứng cách vinh hiển trước tòa Philatô và trong cuộc tử nạn. Người biết chúng ta không hoàn toàn như Người, nên Người an ủi: chính Người sẽ ban lời ăn tiếng nói cho chúng ta ở trước tòa và không ai cự lại hay kháng lý được với chúng ta.
Lời hứa này, Luca đã thấy thực hiện nơi Stêphanô và các tông đồ; nên ông đã viết lại một cách vững vàng. Ðồng thời kinh nghiệm của Hội Thánh thời sơ khai cũng cho Luca thấy Lời báo trước về những cuộc bắt bớ không mơ hồ tí nào. Thế nên ông đã ghi lại những lời sau đây một cách cũng hết sức chắc chắn: "Các ngươi sẽ bị nộp do cả cha mẹ, anh em bà con và bạn hữu; và sẽ bị mọi người ghét vì Danh Ta. Nhưng (đây là lời an ủi) dù một sợi tóc cũng không rơi mất khỏi đầu các ngươi"!
Chúng ta có thể nghĩ Luca đã viết lầm câu này. Ở chỗ khác Chúa Giêsu không nói như vậy. Người bảo chẳng có sợi tóc nào rơi xuống mà không có ý Cha trên trời. Chắc chắn Luca biết như vậy. Nhưng ở đây người muốn nói: không một đau khổ nào vì Danh Chúa sẽ rơi mất. Nó sẽ đem lại hạnh phúc. Vì thế chúng ta hãy kiên trì.
Thiết tưởng đọc thấy tư tưởng của tác giả Luca như thế, còn mấy ai muốn thắc mắc về thời tận cùng nữa? Phần lớn những lời nói về ngày đó chỉ là hình ảnh. Tư tưởng chính yếu là Chúa sẽ đến xét xử lành dữ như Malaki đã viết. Còn về các điềm báo trước, cũng chẳng có dấu hiệu nào trực tiếp. Ðiều thực hơn cả là cho đến ngày ấy, tín hữu sẽ gặp thử thách và bắt bớ. Số chết vì Chúa cũng sẽ nhiều, nhưng số phận chung của tất cả là sẽ bị mọi người ghét. Tuy nhiên, ơn Chúa sẽ không thiếu cho những ai kiên trì và Người bảo đảm sự sống và sự sống lại cho họ. Bổn phận của các tín hữu chỉ còn là phải phấn đấu. Có khi phải phấn đấu một cách cụ thể như bài thánh thư hôm nay nói.

3. Chúng Ta Hãy Lao Ðộng
Nhiều tín hữu ở Thessalonica tưởng rằng sắp đến Ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại. Họ còn được nhiều kẻ tự coi là tiên tri đến dẫn chứng thêm. Có khi bọn này còn giơ cả những bản văn bảo rằng của các tông đồ ra làm tài liệu. Thế là nhiều người ở Thessalonica chểnh mảng mọi việc bổn phận và nhất là việc làm ăn sinh sống... để lấy lẽ "lo việc phần hồn và việc đạo". Hậu quả là xảy ra tình trạng bất ổn về tư tưởng, đưa tới sự xáo trộn về đời sống thực tế. Nhiều kẻ không lao động sản xuất nữa và sống bám... nếu chưa phải là đã có những hành động bất chính. Thánh Phaolô bảo các tín hữu phải tránh những con người ấy và đừng sống như họ, nhưng hãy bắt chước chính người.
Khi ở Thessalonica, Phaolô "đã làm lụng... lao nhọc vất vả ngày đêm... không ăn bám vào ai". Không phải vì bó buộc, bởi lẽ, công dân Rôma không bó buộc phải lao động và đã làm việc bàn thờ thì có quyền sống nhờ bàn thờ. Nhưng người đã tự tay lo lấy miếng cơm manh áo đang khi rất nhiệt thành làm việc tông đồ. Ðể làm gì? Người nói: để khỏi nên gánh nặng cho ai trong giáo dân, để làm gương cho mọi người... và ở chỗ khác người nói: để Tin Mừng người rao giảng được sáng giá.
Ðối với người Thessalonica, nếp sống lao động rõ rệt và vất vả này, đang khi có quyền không phải làm như vậy, là lý rất mạnh để truyền và khuyên họ phải lao động, phải làm lấy mà ăn, chứ đừng nhàn cư vi bất thiện, lê la nói hết chuyện này sang chuyện khác, và toàn những chuyện vô lý, khiến đời sống mất trật tự.
Ðối với chúng ta sống sau Công đồng Vatican và thêm kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa, lời khuyên của thánh Phaolô phải làm cho hàng tông đồ thấy không những không có gì mâu thuẫn giữa sinh hoạt mục vụ và lao động sản xuất, mà một nếp sống hòa hợp được hai sinh hoạt đó còn làm sáng giá thêm Tin Mừng mà chúng ta rao giảng. Riêng với các tín hữu, lời khuyên lao động để có nếp sống xã hội trật tự tưởng không phải là không có giá trị hiện đại. Chúng ta cứ suy nghĩ và sẽ thấy quả thật hăng hái lao động sản xuất cũng là chuẩn bị Ngày Chúa trở lại, cũng là ngày biến đổi cả thế giới và vũ trụ này.
Thánh lễ nào cũng nhắc đến thời kỳ cánh chung và thúc giục chúng ta sẵn sàng và chuẩn bị cho thời kỳ ấy. Và gương mẫu cao cả mà thánh lễ nêu lên để chúng ta bắt chước, không phải là thánh Phaolô, nhưng là chính Ðức Giêsu trong mầu nhiệm cứu thế. Người thật là Ngày của Thiên Chúa. Người đã đến để diệt tội và cứu sống. Người thi hành sự phân xử của Thiên Chúa, khi chính Người đã sống lao động, rao giảng chân lý, chịu khổ hình thập giá và sống lại. Nếp sống của Người thúc đẩy chúng ta bắt chước để cuộc đời của chúng ta cũng thể hiện Ngày của Chúa và chuẩn bị Ngày Chúa Kitô trở lại đem thế giới và vũ trụ này vào trong hạnh phúc vinh quang muôn đời.


Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT XXXII-TN C


LỜI CHÚA: Lc 20, 27. 34-38
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người. Chúa Giêsu trả lời họ rằng : “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa : vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa : vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu mạc khải về vấn đề kẻ chết sống lại và cách thức cuộc sống đời sau. Ngài cho thấy cuộc sống ấy không còn giống như ở đời này. Không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian. Không bị ràng buộc vào những quyến rũ như ở trần gian. Trái lại, cuộc sống của người công chính khi phục sinh sẽ được thần thiêng hóa như đời sống của các Thiên Thần, của Thiên Chúa.
Muốn được sống sự sống ấy trong ngày sau hết, mỗi Kitô hữu cần phải chuẩn bị và sống đời sống ấy ngay từ đời này. Bằng cách sống theo giáo huấn và tinh thần của Ðức Giêsu, thực thi công bình bác ái và không theo những cám dỗ của thế gian.

Cầu Nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin sự sống lại và sự sống đời sau. Xin cho chúng con sống niềm tin bằng chính đời sống ‘tốt đạo đẹp đời’ của chúng con. Tất cả những công việc, hành động, lời nói, suy nghĩ của chúng con đều quy hướng về mục đích cuối cùng ấy. Như thế, chúng con sẽ được Chúa ban thưởng sự sống vĩnh cửu. Amen


Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN C

LỜI CHÚA : Lc 19, 1-10
Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.
Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng : “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng : “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.
Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng : “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng : “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.
Suy Niệm:
Câu chuyện Ðức Giêsu hoán cải người thu thuế làm nổi bật vai trò của Người: Người đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất. Chính Ðức Giêsu luôn đi bước trước, chỉ cần chúng ta biết mở lòng đón nhận Chúa. Như trong bài Tin Mừng, ông Giakêu đã tìm mọi cách để xem cho biết Chúa là ai. Và sau khi được Ðức Giêsu trao ánh mắt thân thương, được đối thoại và được Ðức Giêsu thăm viếng, ông đã biến đổi hoàn toàn. Ông đã sẵn sàng đền bù những của cải bất công và thực thi lòng quảng đại phi thường.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chính vì gặp được Ngài mà cuộc đời của người thu thuế, ông Giakêu, đã được biến đổi. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa mỗi ngày và mở lòng tiếp rước Chúa qua bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa. Ðể nhờ sức mạnh và ân sủng của Chúa, chúng con cũng được đổi mới, từ bỏ những việc làm bất chính tội lỗi, mà trở nên xứng đáng với ơn cứu độ Chúa ban. Amen.


Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Chúa Nhật Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm C

Chúa Nhật Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm C
27 – 10 – 2013
Tin Mừng: Lc 18,9-14
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".  Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Khi nghe Đức Giê-su kết luận người thu thuế tội lỗi ra về được nên công chính, còn người biệt phái nhiều công đứcthì không, chắc hẳn nhiều người hiện diện phải ngạc nhiên. Vì người biệt phái xem ra là người mẫu mực trong việc tuân giữ Lề Luật và không phạm phải các tội xấu xa. Ông ta còn làm nhiều hơn Luật dạy khi tự nguyện ăn chay và bố thí. Vậy tại sao Đức Giê-su lại không chấp nhận lời cầu của ông ta ? Tại sao Chúa lại ưu ái người thu thuế tội lỗi, ngay khianh ta chưa từ bỏ cái nghề tồi tệ đó, và không đả động đến việc đền bù các thiệt hại đã gây ra cho tha nhân ? Chúng ta cân làm gì để diệt trừ thói kiêu ngạo tự ái cao và thực tập khiêm nhường phục vụ ?
SỐNG LỜI CHÚA:
Xét mình và thưa với Chúa một cách thật lòng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con có lòng khiêm tốn chân thành của người thu thuế, để con đón nhận anh em con với tình thương mến và để con cũng được Chúa thương đón nhận. Amen.







Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Chúa Nhật 29 Thương Niên Năm C

Phúc Âm:                                                                                   Lc 18, 1-8
"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
      Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'".
     Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
      Nhờ sự kiên nhẫn, bà góa đã được điều thỉnh cầu. Con người với nhau mà còn biết xử như vậy phương chi là Thiên Chúa - Thiên Chúa đầy yêu thương, Ngài không vì sợ ta quấy rầy như vị quan tòa kia. Nhưng Ngài luôn thích lắng nghe những lời cầu xin của chúng ta. Chúng ta có tin tưởng, kiên nhẫn đến với Ngài không?
 
Cầu Nguyện:

      Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh: dù hạnh phúc hay đau khổ. Chúng con luôn có một thái độ tín thác và kiên nhẫn. Xin soi sáng cho chúng con, để chúng con luôn xác tín rằng Chúa luôn lắng nghe và làm những điều tốt nhất cho chúng con. Xin cho chúng con luôn vui vẻ đón nhận tất cả từ Chúa trong bình an và tin tưởng phó thác. Amen.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Chúa Nhật Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm C


Chúa Nhật Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm C
13 – 10 – 2013
Tin Mừng Lc 17: 11-19
     
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: « Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”


SUY NIỆM: Trong câu chuyện mười người phung hủi đến xin Chúa Giêsu chữa lành. Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện tư tế”. Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa (Lc 17,14-15).
Trong cuộc sống, thường là khi gặp khó khăn, chúng ta chạy đến với mọi người và mọi nơi, nhưng khi vượt qua những khó khăn đó và trở nên... lại thường quên ơn, có người lại muốn phủi ơn để che đây mọi khó khăn trước đó, và tự cho, do tay mình làm nên mọi sự, hay là gặp vận may. Điều này, đối với đức tin của người Kitô hữu, chúng ta cần phải ý thức lại: mọi sự, mọi hoàn cảnh, đều do bởi ơn ban của Chúa, ơn ban này Chúa trao từ tay người này, người nọ mà đến với chúng ta. Nên những điều chúng ta đang hưởng, những hoàn cảnh chúng ta đang sống cần hướng về Thiên Chúa để cầu nguyện và tôn vinh Ngài.
SỐNG LỜI CHÚA: Tôi sẽ nói tiếng cám ơn với người thân và nói lời tạ ơn với Chúa mỗi tối trước khi đi ngủ.
CẦU NGUYỆN: Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban vì có hại cho con.

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

TÀPAO VÀ THÁC BÀ



Hôm nay ngày 06/10 các em giúp lễ, huynh trưởng và cha tuyên úy cùng nhau hành hương Đức Mẹ Tàpao. Chúng tôi khởi hành vào lúc 9h30 sáng với sự ao ước được lên Tàpao cùng Mẹ để được cảm nhận tình yêu và sự dịu hiền của một người mẹ luôn lắng nghe và đồng hành cùng những người bé nhỏ. Trước khi đến Tàpao chúng tôi ghé qua thác Bà. Đường đi thật là ngoằn ngèo nhỏ hẹp chỉ vừa đủ cho chiếc xe chở chúng tôi. Từ đằng xa chúng tôi đã nghe tiếng thác chảy. Khi đến gần thác thì thật là một cảnh tượng  hùng vĩ lạ lùng, đúng là sự kì diệu của Đấng tạo hóa. Không khí thật mát mẻ, chúng tôi cùng nhau tắm thác hòa lẫn cùng những giọt mưa nặng hạt một cảnh tượng thật là đẹp cảm giác thật khó tả. Nhìn thấy các em nhỏ vui đùa cùng nhau đùa giỡn dưới những dòng nước bọt trắng xóa với những nụ cười thật thoải mái tự nhiên trong lòng tôi bỗng nhiên muốn nhỏ lại. Tôi ước gì mình cũng giống như các em vô tư thả mình vào dòng nước niềm vui xóa tan sự lạnh lẽo của cơn mưa cũng như xóa hết những lo lắng trong cuộc sống.
Mặc cho cơn mưa lớn chúng tôi cùng nhau vui vẻ đến Tàpao. Khi đến tới núi mặc dù rất mệt nhưng sự tin tưởng của các em làm các em quên đi sự mệt mỏi. Các em giúp lễ và huynh trưởng cùng nhau viết lời khấn theo ý mình và bỏ vào thùng với sự trông cậy và hy vọng vào tình thương của Chúa qua Mẹ Maria. Chúng tôi bắt đầu tham dự thánh lễ do cha tuyên úy Phaolô Nguyễn Bá Huân chủ sự. Qua bài giảng cha dạy chúng tôi về sự quan trọng của chuỗi mân côi. Đó là phương thế giúp đời sống đức tin của chúng tôi ngày càng vững mạnh hơn. Và hơn nữa khi lần hạt mân côi thì có thể suy niệm về những hành trình của Chúa cứu thế. Sau thánh lễ chúng tôi cùng nhau ăn cơm tại dòng thánh giá. Một bữa cơm thật ấm áp tình mến, tất cả đều ăn rất ngon và các em nhỏ chơi với nhau không phân biệt bạn này nhỏ hay lớn. Sự hòa đồng của những bạn nhỏ thật là dễ thương và sự quan tâm của cha tuyên úy làm cho buổi hành hương của chúng tôi thật vui và ý nghĩa.

Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi. Xin giúp chúng con luôn duy trì sự hòa đồng để cùng nhau sống trong tình thương và tinh thần phục vụ của tình yêu. Amen

Thiên thần nhí

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – C ĐỨC MẸ MÂN CÔI

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – C
ĐỨC MẸ MÂN CÔI
06 – 10 – 2013
LỜI CHÚA : Lc 1, 26-38
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng : "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Suy niệm :
Thiên Chúa muốn Ðức Maria cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài, nhưng Ngài không dùng quyền áp đặt, nhưng tôn trọng sự tự do của Mẹ, nên đã sai Sứ Thần đến hỏi ý kiến Mẹ. Mẹ Maria có quyền tự do để chọn lựa, có thể vâng theo ý Chúa mà cũng có thể chối từ. Thế nhưng Mẹ đã khôn ngoan chọn theo ý Chúa vì đó là con đường duy nhất và bảo đảm đưa đến hạnh phúc đích thực. Với Hai tiếng : “Xin vâng” trong khiêm nhường và phó thác, Mẹ đã được Thiên Chúa cất lên chức vị làm Mẹ Thiên Chúa và ơn cứu độ được ban xuống cho muôn người.
Mẹ cũng muốn chúng ta dùng quyền tự do để tìm đến hạnh phúc muôn đời, nên kêu gọi mọi người hãy siêng năng lần hạt mân côi, để cùng với Mẹ hiệp thông vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhằm đem ơn cứu độ đến cho bản thân cũng như cho mọi người.
Cầu Nguyện :
Lạy Thiên Chúa là Cha, vì yêu thương, Cha đã ban cho nhân loại chúng con món quà thật quý giá, đó là quyền tự do chọn lựa. Ðức Giêsu và Mẹ Maria đã biết sử dụng tự do nên đã cứu thoát và đưa con người đến hạnh phúc vĩnh cửu. Xin Cha giúp chúng con biết khôn ngoan, dùng tự do để chọn Chúa như chính Mẹ đã lựa chọn, và biết lắng nghe lời Mẹ nhắn nhủ ‘hãy siêng năng lần hạt mân côi’, để được cùng với Mẹ đến với Chúa và được hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.


Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Chúa Nhật 26 Thương Niên Năm C

Phúc Âm:                                                                                      Lc 16, 19-31
"Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
      Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

      'Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này'. Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được'.

      Người đó lại nói: 'Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này'. Abraham đáp rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'. Người đó thưa: 'Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải'. Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
       Của cải là con dao hai lưỡi. Nó là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu. Những ai khôn ngoan biết sử dụng nó, sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Ngược lại, những kẻ ngu đần tôn nó làm ông chủ sẽ bị nó nhận chìm xuống tận hố diệt vong. Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn Chúa dùng để dạy chúng ta biết sử dụng của cải cho đúng chỗ, để đạt được hạnh phúc muôn đời.
 
Cầu Nguyện:
      Lạy Chúa Giêsu, giàu hay nghèo không phải là một hạnh phúc hay bất hạnh muôn đời, nhưng điều quan trọng là chúng con sống theo giáo huấn của Ðức Giêsu. Biết luyện tập cho mình một tinh thần yêu thương, một tâm hồn quảng đại. Sống chân tình với Chúa và chan hòa với anh em. Chỉ trong trái tim rộng mở đó, chúng con mới được hưởng niềm vui vĩnh cửu. Amen.
 


Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Tâm tình Ánh Sáng Đức Tin và Ánh Sáng đêm trung thu*


Xem Hình
Thánh lễ mừng Trung Thu chiều nay tại nhà thờ Chính Toà thân yêu thật vui và ý nghĩa.. Từ lúc bước chân vào nhà thờ cho đến lúc ra về lòng tôi tràn ngập một niềm xúc động khó tả!Nếu như Tết Trung Thu ở ngoài xã hội là Tết của Thiếu Nhi là dịp để sum họp bên gia đình bạn bè thì chiều nay, trong Thánh lễ này tôi cùng các em và bà con trong giáo xứ cũng đang quy tụ trong nhà Cha là Thiên Chúa thân yêu! Tôi muốn bật khóc...vì mỗi lần tôi đến với Ngài...là tôi đang trở về...trở về với các em...trở về với ơn gọi làm Huynh Trưởng của mình.Sau thánh lễ là rước đèn xung quanh nhà thờ, múa lân và phát bánh.Cha Chính Xứ và Cha phó xứ cứ cười suốt chung vui với các em và chính 2 Cha đã tận tay phát bánh.Tôi thầm cảm ơn 2 Cha, HDMV, quý bà con và quý ân nhân đã luôn yêu thương và quan tâm các em.Tôi cũng không quên tạ ơn Chúa. Nhìn chiếc lồng đèn lớn sáng rực đất uy nghi trên cung thánh và hàng chục lồng đèn nhỏ lung linh trên tay các em, tôi chợt nghĩ tới ngọn đèn Đức Tin của tôi là mọi người.Ước mong sao mọi người chúng ta luôn biết lấy Lời Chúa làm đèn soi cho đời mình và luôn biết cầm đèn đó cháy sáng trong tay tỉnh thức đón chờ Chúa đến. Hiệp với lời nguyện trong Thánh Lễ " Xin cho các em luôn trong trắng đơn sơ và cho chúng con cũng như vậy" xin Chúa gìn giữ các em Thiếu Nhi trong xã hội ngày hôm nay luôn sống vui tươi và được yêu thương đặc biệt là những trẻ em nghèo, những trẻ em tàn tật mồ côi sẽ luôn được sống trong bình an của Chúa.Và cầu chúc mọi người luôn sống tâm tình của người con nhỏ bé trong vòng tay yêu thương bao la của Người.Amen!
Hoa Xương Rồng
*(tiêu đề do người biên soạn đặt)

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Chúa Nhật 25 Thương Niên Năm C

Phúc Âm:                                                              Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13}
"Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
      Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: {"Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: 'Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa'. Người quản lý nghĩ thầm rằng: 'Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ'.

      "Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi'. Rồi anh hỏi người khác rằng: 'Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm giạ lúa miến'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi'. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

      "Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}

      "Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

      "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".
      
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:
      Con người ngày nay rất khôn ngoan khi tính toán để tìm kiếm hạnh phúc đời này. Nhưng sự khôn ngoan đích thực thì ít có ai tìm được, hay cố gắng đi tìm. Cũng như người quản lý trong bài Tin Mừng hôm nay, ông đã dùng sự khôn khéo gian manh để tìm hạnh phúc cho đời sống của ông. Qua đó, Ðức Giêsu muốn dạy chúng ta biết dùng sự khôn ngoan của mình để sử dụng gia tài Chúa ban: Sức khỏe, thời gian, tiền của... mà tìm lấy cho mình hạnh phúc vĩnh cửu. 

 Cầu Nguyện:

      Lạy Chúa, Chúa biết con người chúng con yếu hèn, chúng con muốn theo Chúa nhưng lại chạy theo của cải vật chất, lạc thú, danh vọng ở đời. Xin tha thứ cho chúng con và ban ơn khôn ngoan, ý chí cương quyết để chúng con biết chọn Chúa, vì chính Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu của chúng con. Amen.


Lượt xem:

Free Web Site Counter

Người đang theo dõi blog này

Powered By Blogger