Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

VIÊN THUỐC CHỮA ĐAU




VIÊN THUỐC CHỮA ĐAU
Ở phần tự bạch trong các quyển sổ lưu bút chúng mình, có một câu hỏi thật đơn giản mà chẳng dễ trả lời chút nào: Điều gì sẽ làm bạn khóc? .Trong hàng trăm câu bộc bạch như “khi buồn, khi thất bại, khi bị đòn…” mà tôi từng đọc qua, lần nọ, có một bộc bạch khá lạ: "Tôi khóc lúc tôi nhận ra mình làm những người thân yêu của mình phải khóc. "
Ngày thơ ấu, các cậu nhóc vẫn hay tìm thấy niềm vui trong những hạt nước mắt của các cô bé. Một cái ngáng chân trên bậc cửa khiến cô bạn sấp mặt ngã dúi dụi, một cú giật bím tóc đau điếng, một lần chơi xấu đem hộp bút màu quý giá của cô bạn giấu kỹ dưới gậm bàn… Cô bạn oà khóc càng to, cậu nhóc càng thấy vui.Bạn có biết ai càng làm cho bạn khóc nhiều, người ấy
càng được xem là mạnh mẽ và can đảm!

Lớn lên một chút, chúng ta biết chẳng hay ho gì khi làm nguời khác buồn. Thế nhưng, có những việc làm người khác rớt nước mắt lắm khi chúng ta không ngờ đến. Sợ muộn học, trễ việc, bạn phóng thẳng xe vào vũng nước, nước bắn tung lên, ố bẩn tà áo trắng mới tinh ai đó tình cờ đi ngang qua. Một người tật nguyền di chuyển với dáng vẻ khác lạ, tôi và bạn mở to mắt quan sát, khẽ cười. Câu chuyện đồn thổi chưa rõ thật hư về một nhân vật nào đó tôi và bạn hào hứng rỉ tai nhau. Vì những chuyện vô tình như thế, có những hạt nước mắt lặng lẽ rớt xuống. Những hạt nước mắt mà tôi hay bạn không thể nhìn thấy.
Và rồi lớn lên nữa, chúng ta bắt đầu biết cách làm người khác đau. Cố ý, nhưng chúng ta đã biết cách làm điều ấy trong vỏ bọc kín đáo, chẳng lộ liễu như cú ngáng chân hay giật bím tóc ngày xưa của bọn con trai nữa. Vì một nỗi giận dữ cần giải toả, tôi sẵn sàng thốt ra một lời mỉa mai cay độc với một người bạn học kém, yếu thế hơn mình. Những hờn dỗi, tủi thân vì hoàn cảnh gia đình khó khăn thua sút, khiến bạn một lần nào không kìm lòng, thốt ra tất cả những lời oán trách với bố mẹ. Nói xong, hết giận, có thể chúng ta quên ngay những lời vừa thốt ra. Nhưng những tổn thương tôi và bạn gây nên trong lòng người khác bằng lời nói tàn nhẫn thì rất lâu mới có thể bình phục.
Bạn biết không, ngày 17 tháng 10 là ngày thế giới chung tay làm giảm nỗi đau. ở bệnh viện khắp nơi trên trái đất này, các bác sĩ đang tìm những phuơng pháp chữa trị và phẫu thuật để bệnh nhân ít đau đớn hơn, thời gian bình phục ngắn hơn. Trong nhiều phòng thí nghiệm, các dược sĩ và các nhà hoá học đặt ra mục đích cụ thể: Tìm ra biệt dược giảm đau hiệu quả nhất cho con người. Những nỗi đau vì bệnh tật gây ra, y học chữa trị ngày càng hiệu quả. Vậy những nỗi đau âm ỉ vô hình, vì sự vô tâm hay nhẫn tâm do mỗi người chúng ta gây ra, sẽ được cứu chữa ra sao?
Tôi khóc, khi tôi nhận ra mình làm những người thân yêu của mình phải khóc. Tôi khóc, vì tôi nhận ra mình là kẻ tàn nhẫn và vô tình. Khóc, để không lặp lại lỗi lầm. Khóc, để con tim mỗi người biến thành viên thuốc chữa đau khi biết nhích ra khỏi nhịp đập hờ hững vô tình quen thuộc.
VÂN UYÊN

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Bà HÁN



Bà HÁN đã già lắm rồi. Mái tóc bạc phơ, cái lưng còng xuống như đã quá mệt mỏi bởi những gánh nặng của một đời người.
Tôi biết bà từ khi tôi mới bắt đầu bỡ ngỡ bước vào nhà thờ tham dự thánh lễ. Nhưng tôi có bao giờ để ý tới bà. Tôi chỉ thấy sợ bà vì dáng bà đi quá lầm lũi, không nhìn cũng chẳng nói chuyện với ai.
Mỗi ngày tôi mỗi lớn, Đức Tin cũng ngày càng trưởng thành nên tôi cũng đủ khôn mà nhận ra rằng “Cuộc sống của tôi phải biết kết hợp với Chúa”. Vì thế, tôi thường xuyên đến với Chúa trong thánh lễ thường ngày. Và những lúc đó tôi gặp bà.
Ở bà, tôi bắt gặp một tấm lòng sốt sắng thật sự mà tôi ít khi gặp. Hầu như ngày nào bà cũng đi lễ, cả lễ sáng lẫn lễ chiều, dù trời nắng nóng bức hay trời mưa lạnh lẽo. Mỗi lần tôi bước chân vào nhà thờ là hình dáng lặng lẽ, âm thầm của bà đập ngay vào mắt tôi. Bà đến nhà thờ từ rất sớm. Bà vẫn quỳ đấy, cặp mắt đầy vết chân chim ẩn sâu một nỗi u buồn khôn tả. Bà ngước mắt lên bàn thờ, lâm râm đọc kinh cầu nguyện trong niềm phó thác rất chân thành.
Bà đọc kinh rất to. Cái giọng khàn và nặng của bà thật là gây ấn tượng không những đối với tôi và với tất cả mọi người. Đôi lúc, cái giọng to đó của bà gây chú ý và làm khó chịu cho người khác. Vì nhiều khi người ta chưa kịp đọc kinh thì bà đã đọc rồi, làm cho cộng đoàn khó mà đọc kinh cho khớp với nhau. Giọng đọc của bà cũng thấp, mà lại to, nên khi bà cất giọng lên thì lại kéo cả cộng đoàn lạc giọng, người đọc cao, kẻ đọc thấp. Đôi lúc các em thiếu nhi nghe giọng bà cất lên thì lại mắc cười nhưng nào có dám cười to.
Dù tôi ngồi ở vị trí nào trong nhà thờ để dâng lễ, thì cái giọng của bà vẫn vang vang bên tai tôi, không thể lẫn lộn được. Giữa muôn vàn thanh âm của biết bao nhiêu con người đang đọc kinh nguyện chung trong giờ lễ, tôi nghe tiếng bà cất lên tha thiết lẫn u buồn, không chỉ dừng lại là thanh âm phát ra từ môi miệng, mà đó chính là những thanh âm phát ra từ tận đáy lòng bà, của một con người mà tuổi đã xế chiều chỉ còn biết nương tựa vào lòng thương xót của Chúa.
Không phải bà cố tình đọc to để rồi gây chú ý thậm chí khó chịu cho người khác đâu, nhưng vì lòng mến Chúa, có bao nhiêu hơi thở, bao nhiêu sức lực bà đều cố gắng hết mình trong từng lời kinh của mình, để hiệp với cộng đoàn dâng tâm hồn mình lên Chúa. Lắm lúc bà cố gắng đọc cao lên cho khớp với cái tông đọc chung của cộng đoàn. Qua tiếng đọc của bà, tôi cảm nhận được sự cố gắng đó. Và tôi nghĩ rằng đó là một điều đáng quý. Bà đã già rồi, làm sao giọng có thể cao thánh thót như những người còn trẻ, nên giọng bà vẫn cứ lạc, cứ xuống thấp rồi lại cố lên cao. Nhưng tôi tin rằng sự cố gắng nhỏ nhoi của bà đã làm đẹp lòng Chúa rồi.
Sau giờ lễ, bà cũng chưa về nhà liền. Bà ra núi đá Đức Mẹ phía trước nhà thờ đọc kinh mãi cho tới tối. Nhìn dáng bà lom khom leo lên từng bậc tam cấp ở núi đá Đức Mẹ để thắp nến, thắp hương, tôi thấy mới cảm động làm sao !
Một hôm vào chiều Chúa Nhật, sau giờ sinh hoạt của Thiếu Nhi, tôi nán lại nhà thờ ít phút để cầu nguyện riêng với Chúa. Tôi lại bắt gặp bà đang quỳ, bàn tay già nua, run run khẽ lau vội dòng nước mắt đang trào ra nơi khoé mi. Tôi biết bà đang khóc. Tôi thầm hỏi lòng rằng không biết bà đang muộn phiền và đau khổ điều gì trong lòng, và bà cũng chẳng có thể bày tỏ với ai khác ngoài Chúa. Tôi thấy thương bà làm sao, chỉ mong sao bà sẽ được yên ủi và an bình trong tình yêu của Chúa !
Bà tuy đã già nhưng bà vẫn rất quan tâm đến nhịp sống Đức Tin của giáo xứ. Cụ thể là từ khi Cha Xứ kêu gọi mọi người đi lễ cố gắng dồn lên bàn trên ngồi để gần Chúa hơn và cũng là để người đến sau có đủ chỗ ngồi, thì tôi thấy bà thật nhanh nhẹn bước lên bàn trên, dù đôi chân của bà đã yếu. Cha Xứ không cần nhắc thì bà vẫn lọ mọ đi lên phía bàn trên cùng ngồi để dâng lễ.
Nhìn bà, tôi thấy có một chút hổ thẹn riêng cho chính mình và chung cho những lớp người trẻ như tôi. Cuộc sống hiện đại,công nghệ phát triển, tôi cũng như những người trẻ khác cũng dễ dàng đâm đầu vào công việc, chạy theo những gì là hiện đại, tân thời. Các em thiếu nhi bây giờ cũng chỉ biết đến Internet, biết đến những thứ tiêu khiển giải trí hiện đại hơn. Còn việc đọc kinh, cầu nguyện, tham dự thánh lễ xem ra ngày càng xa lạ và lỗi thời.
Tôi không quơ đũa cả nắm vì tôi biết rằng đâu đó giữa đống tro tàn, vẫn còn những hòn than âm thầm cháy sáng. Tôi vẫn hiểu rằng mỗi thời đại, mỗi thế hệ mỗi ngày mỗi khác. Nhưng cái tôi muốn nói đến đó là đời sống Đức Tin dường như càng ngày càng nhạt nhoà trong đời sống mỗi người Ki-tô hữu mà hay gặp nhất là ở những người trẻ. Tôi chắc chắc rằng không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai có tâm hồn biết trăn trở đều cảm nhận được điều này.
Trong những thánh lễ, tôi quan sát, đi lễ sớm vẫn là những người có tuổi hoặc đã già, đọc kinh sốt sắng cũng chính họ chiếm số đông. Còn những người trẻ chúng tôi ở đâu? Mà sao chúng tôi lại đi lễ trễ hoặc quá trễ, lén lén lút lút ngồi ghế dưới thậm chí có được mời cũng không dám bước lên trên chứ đừng nói chi là tự giác. Tại sao chúng tôi trẻ nhưng chúng tôi lại đến với Chúa quá chậm chạp và lề mề với một tâm hồn quá già nua và cằn cỗi? Cụ thể nhất là ở lễ chiều thứ Bảy dành cho Giới Trẻ. Giờ đọc kinh chẳng thấy người trẻ đâu, mà sao chỉ toàn là những ông bà già và lác đác vài ba người trẻ. Trong khi đó bà Hán, và các ông, các bà khác dù đã già , học vấn không cao như những người trẻ như tôi nhưng lại đến với Chúa một cách sốt sắng với một tâm hồn tràn ngập niềm vui tươi.
Các em thiếu nhi cũng không buồn mở miệng đọc kinh. Tôi nhìn các em mà lòng thấy đau xót. Tôi nhắc các em đọc kinh nhưng dường như lời nói của tôi không có tác dụng, các em chỉ nhìn tôi bằng một ánh mắt ngơ ngác và dửng dưng.
Nhận ra những điều đó, thoáng chốc tôi bỗng giật mình vì mình cũng là con người yếu đuối và nhát sợ mà thôi, khó mà tránh khỏi được những vòng xoáy đang diễn ra ở cuộc sống hiện tại này. Nhưng tôi tin ở sức mạnh đỡ nâng của Chúa. Chỉ cần biết kết hợp với Người thì những con người yếu đuối sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Cũng như bà Hán, còn có rất nhiều cụ ông cụ bà khác trong giáo xứ dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn tham dự thánh lễ đều đặn và sốt sắng. Tôi ít khi bắt gặp bà Hán cũng như các cụ ông cụ bà khác được con cháu đưa đi tham dự lễ. Hầu hết là các cụ đều phải tự đi. Người trẻ như tôi và các bạn, lắm lúc vì cuộc sống quá bận rộn, đã quên đi rằng: bên cạnh mình còn có những bóng hình âm thầm, bị bỏ lại đằng sau nhịp sống sôi động này đó chính là ông bà, cha mẹ đã già của mình đang cần bàn tay yêu thương và dìu đỡ của những người trẻ là những đứa con, đứa cháu hôm nay.
Một lần tình cờ trên đường đến nhà thờ, tôi gặp bà Hán. Bà vẫn lom khom vừa đi vừa đọc kinh với tràng hạt trong tay. Tôi khẽ gật đầu chào bà. Bà nheo mắt nhìn, bà nào có biết ai. Nhưng không hiểu sao tôi lại thấy vui trong lòng.
Cũng có những lần sau giờ lễ, tôi có dắt một cụ bà xuống bậc tam cấp. Cụ vui lắm, cụ cười móm mém cảm ơn tôi. Tự dưng tôi thấy rất vui và thương các cụ làm sao! Tôi cảm nhận được các cụ cần đến sự chăm sóc và yêu thương của con cháu như thế nào.
Với lòng kính trọng chân thành, con xin cảm ơn bà Hán, cảm ơn các cụ là những chứng nhân sống động nhất của Đức Tin đã giúp cho con là những người trẻ biết nhìn các cụ mà soi xét lại đời sống Đức Tin của chính mình. Và con cũng xin tạ ơn Chúa đã soi sáng cho con để con nhận ra được những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống này.
Cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả các cụ ông, cụ bà sẽ có được những phút giây an bình trong những ngày gần đất xa trời. Và cầu xin Chúa nâng đỡ cho những người trẻ chúng con biết yêu quý, kính trọng ông bà, cha mẹ mình. Và hơn hết, xin cho chúng con không quên rằng chúng con còn có một Người Cha mà chúng con phải hết lòng phụng thờ đó chính là Chúa. Để dù cuộc sống này có đưa chúng con đi về đâu thì chúng con luôn ý thức rằng: Về với Cha là tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình.
Hoa Xương Rồng

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Tuần 17 thường niên năm C


Lời Chúa:
Mt 13,36-43
Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng
: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.
Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi k
ẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong N
ước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong nước Cha họ (Mt 13,43)


Suy niệm:
Suy gẫm
1. Ta hãy suy nghĩ về thái độ kiên nhẫn của Chúa đối với những người xấu. Chúa kiên nhẫn vì:
a/ Nhân từ chờ kẻ xấu ăn năn. “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn leo loét Ngài không nỡ tắt đi”; “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”
b/ Vì tôn tọng tự do mà Ngài đã ban cho mỗi người.
2. Trách nhiệm mỗi người:
a/ Sử dụng tự do để chọn điều tốt;
b/ Tác động lên những người xung quanh để “tranh thủ” lôi họ về phía tốt.
3. Với thời gian, lúa có thể lớn mạnh lấn át cỏ lùng, nhưng đồng thời cỏ lùng cũng có thể lớn mạnh làm chết lúa. Do đó sự kiên nhẫn chờ đợi của Chúa vừa là cơ hội mà cũng là nguy cơ cho mỗi người chúng ta. Hôm nay tôi còn xấu nhưng ngày mai tôi có thể trở thành tốt. Ngược lại, hôm nay tôi tốt nhưng ngày mai tôi có thể trở thành kẻ xấu.
Bởi đó, tôi chớ nên vội đánh giá người khác, và cũng chớ nên tự mãn về mình. Mọi người phải tận dụng thời giờ và cơ hội Chúa để ngày càng trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.
4. Một Giám mục chúc mừng một viên quản lý gian hàng điện khí về công việc tốt đẹp của anh. Ngài nói rằng không bao giờ hết ngạc nhiên về khoa điện năng tuyệt vời.
- Đúng, và con cũng chưa bao giờ nghĩ về điều đó mà không ngạc nhiên về sự kiên trì của Chúa.
- Sự kiên trì của Chúa? Anh muốn nói gì?
Ngài có bao giờ tự hỏi sao Đấng sáng tạo phải đợi hàng thế kỷ mới có một vài người khám phá nguồn điện phong phú trong vũ trụ chỉ chờ được sử dụng?
5. “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như Mặt trời trong nước Cha họ” (Mt 13,43).
Trên đường về quê trời, từ xa chúng ta đã thấy thấp thoáng đích đến. Kìa tại sao bạn dừng lại? Không! không thể được! Đừng dừng lại bạn nhé!
Tôi biết bạn đang chao đảo vì nắng gắt của dư luận. Tôi biết gối bạn đã chồn, chân bạn đã mỏi đã nát vì chông gai, nay lại hụt hẫng do những vực thẳm của bất công và những khúc quanh của lòng người. Đừng cố làm ra vẻ thản nhiên, đừng cố che dấu cái tôi đầy đau khổ thất vọng. Bạn hãy cùng tôi đọc lại câu Tin Mừng này để san sẻ cho nhau niềm hy vọng. Quãng đường còn lại chắc chắn sẽ vui vẻ hơn, đỡ vất vả hơn.
Bạn nhìn về phía trước và cùng tôi dấn bước tiến lên. Tôi đã thấy nghị lực và hạnh phúc trong mắt bạn. Chúng ta sẽ cập bến.
Lạy Chúa, được nên công chính trong Bí tích Thánh Tẩy, xin cho chúng con biết nâng đỡ nhau trên con đường công chính, con đường về nhà Cha.
6. Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Đó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tăm tối. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm.” Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn.
Cầu nguyện:
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.
Amen.

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Suy niệm lời Chúa, Chúa Nhật 17 thường niên năm C

Lạy CHA chúng con

Suy niệm:

Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Có lẽ khi Người cầu nguyện, có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn toả ra. Vì thế, các Tông đồ xin Người dạy cách cầu nguyện. Và Người đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha mạc khải cho ta hai điều quan trọng.

1. Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Có lẽ vì đã đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha một cách máy móc nên ít khi ta cảm nhận được hết ý nghĩa thâm sâu nằm trong từ ngữ “Cha”.

Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sự: “Lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi “Ba ơi”, tôi bủn rủn cả tay chân. Một luồng điện cực mạnh chạy khắp thân thể. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Quả thực, mối liên hệ Cha-Con là một mối liên hệ rất thâm sâu, huyền bí và thân thiết.

Gọi ai là Cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ Cha, ta nhận được món quà tặng quí giá nhất đó là sự sống. Có những người cha không chỉ sinh con về mặt thể xác mà còn cho con một đời sống tinh thần. Đó là những người Cha có nhân cách lớn, kiên trì đúc nặn nên những đứa con có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách làm người.

Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Nói tóm lại, từ ngữ “Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm không bút nào tả xiết được.

Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.

2. Mọi người là anh em

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện: Lạy Cha chúng con... Xin Cha cho chúng con... Chứ không dạy ta đọc: Lạy Cha của con... Xin Cha cho con... Nghĩa là tất cả mọi người có cùng một Cha. Mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa. Là anh em nên phải có tình yêu thương đoàn kết, liên đới với nhau. Liên đới trong đời sống, liên đới trong cả lời cầu nguyện.

Một lần dâng lễ chung với những người bạn Mỹ, tôi đã hỏi họ trong giờ chia sẻ: Hằng ngày các bạn vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Vậy khi đọc câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” các bạn cầu xin điều gì? Vì ở Mỹ tôi thấy lương thực dư thừa, không ai phải chết đói. Họ trả lời: Chúng tôi vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Và với câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” chúng tôi vẫn cầu xin tha thiết. Vì tuy chúng tôi đã đủ ăn đủ mặc, chúng tôi vẫn nhớ đến những anh em bên Phi châu, bên Àu châu đang phải đói khát khổ sở.

Câu trả lời thật chính xác. Vâng, chúng ta là anh em nên phải liên đới, có trách nhiệm về nhau. Trong bài đọc 1 hôm nay, tổ phục Abraham đã nêu gương liên đới khi tha thiết cầu nguyện cho thành Sođoma khỏi bị phạt.

Nếu trong gia đình đứa em út yếu đuối bệnh tật luôn được thương yêu cưng chiều, thì trong kinh nguyện, ta cũng phải ưu tiên cầu nguyện cho những anh em bé nhỏ trước hết.

Nếu lời cầu nguyện của ta là lời của đứa con nhỏ nói với Cha, và là tâm tình liên đới yêu thương với mọi anh em trên khắp thế giới, lời cầu nguyện ấy sẽ rất đẹp và Thiên Chúa sẽ hài lòng.

Cầu nguyện:

Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin thương xót chúng con.
Amen.

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Suy niệm lời Chúa, thứ 3 tuần 16 thường niên năm C

Lời Chúa:
Mt 12,46-50

Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh

em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ

và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

Suy niệm:

Phân tích

Thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong chuyện này nhằm đề cao những người lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Chúa quý trọng họ hơn những người có liên hệ huyết nhục với Ngài nữa.

Suy gẫm

1. Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta, nên Ngài cũng có một gia đình tự nhiên, Ngài yêu mến cha mẹ, anh chị em bà con. Nhưng Ngài còn một gia đình thiêng liêng đó là những môn đệ và những kẻ nghe lời Ngài giảng dạy. Điều đặc biệt là Ngài quý trọng gia đình thiêng liêng này hơn gia đình tự nhiên kia.

Tôi thuộc về gia đình thiêng liêng của Chúa. Tôi được Chúa yêu thương hơn cả những người ruột thịt của Ngài. Thật là hạnh phúc. Cám ơn Chúa.

2. Nhưng để xứng đáng với tình yêu thương ấy. Tôi phải lắng nghe Lời Chúa và làm theo ý Cha.

Hơn ai hết, Đức Mẹ là gương mẫu lắng nghe và thi hành ý Chúa, cho nên Đức Mẹ vừa thuộc gia đình tự nhiên vừa thuộc gia đình thiêng liêng của Chúa.

Xin Đức Mẹ dạy con noi gương Đức Mẹ.

3. Lắng nghe Lời Chúa và làm theo ý Chúa phải đi đôi với nhau, bởi vì nghe không phải để bỏ qua mà để thi hành. Mỗi tuần, mỗi ngày tôi đều có nghe Lời Chúa. Nhưng xét kỹ xem tôi có “lắng nghe” không, và có cố gắng thi hành ít là một phần nào đó không.

4. Kitô giáo vốn là đạo của Lời. Thiên Chúa nói với con người, đó là mặc khải nền tảng của Thánh Kinh. Thiên Chúa nói với con người bằng muôn ngàn cách thế, nhưng thinh lặng là cách thế quan trọng nhất. Chính trong thinh lặng của cõi lòng mà Thiên Chúa nói với con người; chính trong thinh lặng của thiên nhiên và các biến cố mà Thiên Chúa nói với con người. Do đó, chính trong thinh lặng, con người mới nghe được lời của Ngài.

Những dòng trên khuyến khích tôi xét lại sự thinh lặng nội tâm của tôi. Mỗi ngày tôi thực sự thinh lặng bao nhiêu phút? Nhiều khi tôi im lặng chứ không phải thực sự thinh lặng nội tâm.

Lạy Chúa, giữa muôn ồn ào náo động của cuộc sống, xin cho con giữ được sự thinh lặng trong tâm hồn, để luôn lắng nghe được Lời Chúa, và nhất là nhận ra được tiếng Chúa trong mọi quan hệ của con.

5. “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50).

Người thanh niên đến gặp Chúa Giêsu trên con đường Ngài cùng môn đệ dấn bước. Ngài đã nhìn anh và đem lòng mến yêu.

Con chợt rung động dưới ánh mắt của Chúa. Xin cho cái nhìn của tôi dừng lại với những thành kiến hẹp hòi, chẳng dừng lại nơi những cao ngạo phô trương, nhưng cứ vút xa mãi, vượt quá lớp sương mù để chiếu vào tậm cõi thâm sâu, để nhìn thấy hình ảnh Cha đang ẩn mình trong mỗi tâm hồn. Cái nhìn không bị bó hẹp trong khuôn khổ một gia đình nhỏ bé tự nhiên, nhưng vượt quá những khác biệt, những bức tường ngăn cách, những liên hệ máu mủ ruột thịt, để sống tuân phục như định nghĩa của tình yêu, để thiết lập những dây leo tình thương liên kết mọi tâm hồn nhân loại trong gia đình rộng lớn của Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy con biết sống như người anh em của Chúa, bằng sự hiện diện đầy dẫy yêu thương tích cực trong lòng Giáo Hội và giữa mọi người anh em. Amen.

Suy niệm lời Chúa, thứ 2 tuần 16 thường niên năm C

Lời Chúa:
Mt 12,38-42
Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Đức Giêsu
rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.
Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ
tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.

Suy niệm:

Phân tích

Những người Biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Thực ra Chúa Giêsu đã cho họ biết bao nhiêu dấu lạ mà họ có chịu thấy đâu. Vì thế Ngài nói chẳng cần cho họ dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giôna, tức là ám chỉ Ngài sẽ chết và sống lại. Nhưng Ngài cũng biết là dấu lạ đó cũng chẳng thể mở mắt họ nổi, cho nên Chúa Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.

Suy gẫm

1. “Chúng tôi muồn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm phép lạ tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mặt nhiều người. Chúng ta nghĩ nếu có những dấu lạ ấy thì mọi người đều tin thờ Chúa.

Thực ra Chúa thừa sức làm những phép lạ như thế. Nhưng những dấu lạ như thế sẽ là một áp lực, một bó buộc khiến người ta phải tin thờ Ngài, không cách nào khác được. Và như thế con người không còn được tự do, Chúa không phải là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.

Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng thích ban dấu chỉ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Và những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt mở lòng ra là có thể thấy ngay.

2. Một cụ già suốt ngày ngồi trên ghế xích đu và thề sẽ không bao giờ đứng dậy cho đến khi gặp được Chúa. Một cô bé đang chơi với một quả bóng thấy thế liền hỏi:

- Suốt ngày cụ ngồi đong đưa trên chiếc ghế này để chờ đợi Chúa sao?

- Đúng thế, trước lúc nhắm mắt lìa đời ta muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa. Ta chỉ cần một dấu chỉ. Nhưng tới nay ta chưa nhận được dấu chỉ nào.

- Thưa cụ, Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ hít thở, mỗi khi cụ ngửi một cánh hoa thơm, mỗi khi cụ nghe tiếng chim hót, mỗi khi có một đứa trẻ chào đời. Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ cười hay mỗi khi cụ khóc, mỗi khi cụ cảm thấy nước mắt lăn trên gò má cụ. Chúa ban cho cụ một dấu chỉ trong mưa gió và khi thời tiết thay đổi. Có biết bao nhiêu dấu chỉ nhưng tại sao cụ chưa tin? Cụ ơi, Chúa ở trong cụ, Chúa ở trong cháu. Không phải cần tìm kiếm vì Ngài luôn có đó. Má cháu luôn căn dặn cháu: “Này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả.”

Cụ già ngạc nhiên khi thấy những lời như thế thốt ra từ môi miệng một cô bé nhỏ xíu. Phần cô bé, cô vừa chạy vừa nói lớn: “Má cháu luôn căn dặn: này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả.”

3. Vấn đề của chúng ta ngày nay không phải là không có dấu chỉ mà là không biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó. Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu. Chẳng hạn, tôi có hiểu ý nghĩa những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình không: tôi bị bệnh… tôi bị người ta phê phán… tôi vừa gặp thất bại… Tại sao? Qua những điều ấy, Chúa muốn nói gì với tôi?

4. Qua hình ảnh Giôna để loan báo sự vâng phục cho đến chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn nói đến con đường mạc khải của Thiên Chúa, đó là con đường tình yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là có tự do và biết yêu thương, cho nên Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, và cuối cùng chịu chết treo trên Thập Giá, tất cả để trở thành lời mời gọi đối thoại trong yêu thương.

Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.

Cầu nguyện:

Xin cho lý tưởng chứng nhân luôn bừng sáng trong chúng ta, để dù sống trong đau khổ, thử thách, chúng ta vẫn trung thành với tình yêu Thiên Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Suy niệm lời Chúa, thứ 7 tuần 15 thường niên năm C

Người Tôi Trung hiền lành
Lời Chúa (Mt 12,14-21):
Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu. Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: "Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người."

Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu:
Ta hài lòng về Người
(Mt 12, 18)

Suy niệm:
Mặc dù bị các người Biệt phái Pharisiêu chỉ trích, Chúa Giêsu không trả đũa nhưng “lánh đi nơi khác” (c15);
Dù Ngài đã làm những phép lạ hiển hách và được dân chúng ngưỡng mộ, Ngài vẫn khiếm tốn “cấm họ không được tiết lộ Ngài với ai” (c16).
Thái độ bất bạo động đó làm cho Ngài rất giống với hình ảnh Người Tôi Tớ hiền lành mà Isaia đã tiên báo: “Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường, cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…”

Suy gẫm:
1. Những người Biệt phái đã bao phen chống đối Chúa Giêsu. Hôm nay họ còn bàn mưu hãm hại Ngài. Chúa Giêsu thừa khả năng chống lại họ, nhưng Ngài rời nơi ấy tránh đi nơi khác. Đối đầu và trả đũa không phải là phương cách hay nhất. Khi nào còn có thể nhường thì nhường, còn có thể nhịn thì nhịn.

2. “Ai có bệnh đều được Ngài chữa lành. Ngài cấm họ đừng nói cho ai biết Ngài.” Chúa không muốn phô trương những phép lạ của Ngài, một đàng không muốn người ta hiểu sai về tư cách Đấng Messia của Ngài, mặt khác vì khiêm tốn như lời Ngài đã dạy: “Đừng phô trương công đức trước mặt người ta.”

3. “Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường.” Xin Ngài dạy cho con được như Ngài, không thích to tiếng, cãi cọ, ăn thua…

4. “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…” Xin Chúa dạy con noi gương Chúa, trân trọng bảo vệ, khuyến khích và nuôi dưỡng những gì tốt đẹp còn lại trong lòng những kẻ mà người ta đã cho là hư đốn.

5. Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt phái ghen ghét và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Matthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Đấng Thiên sai là Con Thiên Chúa, Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài: một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng. Ngài không cãi vã, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Đó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Thiên Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.

Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói :”Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” Ngài luôn quả quyết: “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại” và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên đàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.

Cầu nguyện:
Xin Chúa cho chúng ta thấu hiểu lòng Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Xin cho chúng ta hết lòng trở về với Chúa để được ơn cứu độ.
Amen.
Lượt xem:

Free Web Site Counter

Người đang theo dõi blog này

Powered By Blogger