Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Suy niệm lời Chúa, thứ 2 tuần 16 thường niên năm C

Lời Chúa:
Mt 12,38-42
Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Đức Giêsu
rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.
Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ
tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.

Suy niệm:

Phân tích

Những người Biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Thực ra Chúa Giêsu đã cho họ biết bao nhiêu dấu lạ mà họ có chịu thấy đâu. Vì thế Ngài nói chẳng cần cho họ dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giôna, tức là ám chỉ Ngài sẽ chết và sống lại. Nhưng Ngài cũng biết là dấu lạ đó cũng chẳng thể mở mắt họ nổi, cho nên Chúa Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.

Suy gẫm

1. “Chúng tôi muồn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm phép lạ tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mặt nhiều người. Chúng ta nghĩ nếu có những dấu lạ ấy thì mọi người đều tin thờ Chúa.

Thực ra Chúa thừa sức làm những phép lạ như thế. Nhưng những dấu lạ như thế sẽ là một áp lực, một bó buộc khiến người ta phải tin thờ Ngài, không cách nào khác được. Và như thế con người không còn được tự do, Chúa không phải là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.

Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng thích ban dấu chỉ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Và những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt mở lòng ra là có thể thấy ngay.

2. Một cụ già suốt ngày ngồi trên ghế xích đu và thề sẽ không bao giờ đứng dậy cho đến khi gặp được Chúa. Một cô bé đang chơi với một quả bóng thấy thế liền hỏi:

- Suốt ngày cụ ngồi đong đưa trên chiếc ghế này để chờ đợi Chúa sao?

- Đúng thế, trước lúc nhắm mắt lìa đời ta muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa. Ta chỉ cần một dấu chỉ. Nhưng tới nay ta chưa nhận được dấu chỉ nào.

- Thưa cụ, Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ hít thở, mỗi khi cụ ngửi một cánh hoa thơm, mỗi khi cụ nghe tiếng chim hót, mỗi khi có một đứa trẻ chào đời. Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ cười hay mỗi khi cụ khóc, mỗi khi cụ cảm thấy nước mắt lăn trên gò má cụ. Chúa ban cho cụ một dấu chỉ trong mưa gió và khi thời tiết thay đổi. Có biết bao nhiêu dấu chỉ nhưng tại sao cụ chưa tin? Cụ ơi, Chúa ở trong cụ, Chúa ở trong cháu. Không phải cần tìm kiếm vì Ngài luôn có đó. Má cháu luôn căn dặn cháu: “Này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả.”

Cụ già ngạc nhiên khi thấy những lời như thế thốt ra từ môi miệng một cô bé nhỏ xíu. Phần cô bé, cô vừa chạy vừa nói lớn: “Má cháu luôn căn dặn: này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả.”

3. Vấn đề của chúng ta ngày nay không phải là không có dấu chỉ mà là không biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó. Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu. Chẳng hạn, tôi có hiểu ý nghĩa những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình không: tôi bị bệnh… tôi bị người ta phê phán… tôi vừa gặp thất bại… Tại sao? Qua những điều ấy, Chúa muốn nói gì với tôi?

4. Qua hình ảnh Giôna để loan báo sự vâng phục cho đến chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn nói đến con đường mạc khải của Thiên Chúa, đó là con đường tình yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là có tự do và biết yêu thương, cho nên Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, và cuối cùng chịu chết treo trên Thập Giá, tất cả để trở thành lời mời gọi đối thoại trong yêu thương.

Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.

Cầu nguyện:

Xin cho lý tưởng chứng nhân luôn bừng sáng trong chúng ta, để dù sống trong đau khổ, thử thách, chúng ta vẫn trung thành với tình yêu Thiên Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

hay

Lượt xem:

Free Web Site Counter

Người đang theo dõi blog này

Powered By Blogger