Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010


CAFE MỘT MÌNH (HOA XƯƠNG RỒNG )



Bằng Lăng ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, lắng nghe chiều xuống chầm chậm bên đời. Chiều đến khe khẽ, nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng lại đầy tiếng thở than khôn tả. Cũng như tâm hồn Bằng Lăng lúc bấy giờ, bình yên mà sao lại buồn, sao lại muốn cuộn sóng thét gào để phá đỗ mọi vụn vỡ trong người.
Bằng Lăng cũng chợt thấy mình khó hiểu. Thế là Bằng Lăng lại xách xe đi, cứ đi trước cái đã còn nơi đến là đâu thì cũng không cần biết nữa rồi. Bằng Lăng đạp từng vòng xe thật chậm rãi trên phố, lướt qua biết bao con người, dường như những nỗi buồn cũng cuốn theo những vòng xe mà tan biến dần. Vòng vèo một đỗi lâu rồi, Bằng Lăng lại muốn dừng lại một nơi nào đó để thả hồn theo chiều đang rơi, để một mình mà thơ thẫn mông lung theo những suy nghĩ của riêng mình. Phía bên kia con đường, quán cafe mang tên “Một mình” lại đúng quả là nơi lý tưởng cho Bằng Lăng. Thế là chẳng chần chừ gì nữa, Bằng Lăng dắt xe vào quán, lựa chọn một nơi thích hợp và gọi một ly café đen. Từ đó tới giờ, Bằng Lăng chưa bao giờ uống thứ nước này. Nhưng hôm nay chẳng hiểu sao Bằng Lăng lại uống nó. Nhìn từng giọt café đen tí tách rơi sao Bằng Lăng thấy giống như những giọt nước mắt của ai đang khóc, chợt Bằng Lăng thấy chạnh lòng. Điệu nhạc nhẹ nhàng, du dương đưa Bằng Lăng vào chốn tĩnh lặng của ký ức. Bằng Lăng nhìn thấy rất rõ chính mình, Bằng Lăng lại bắt đầu nghĩ ngợi.
Ba của Bằng Lăng là người Công Giáo nhưng thưở ấu nhi Bằng Lăng có được đi lễ bao giờ. Lắm lúc đi ngang qua nhà thờ, Bằng Lăng tò mò đứng ngắm người ta dâng lễ mà thấy thích thú làm sao. Bằng Lăng học lỏm được mấy câu trong Kinh Lạy Cha(mà thưởu nhỏ Bằng Lăng Chẳng biết nó là gì), thế là lâu lâu nhớ tới Bằng Lăng lại lẩm nhẩm một mình. Mãi đến năm 15 tuổi, Bằng Lăng mới được học giáo lý, xưng tội rước lễ và lãnh nhận các bí tích. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Bằng Lăng. Bắng Lăng cảm nhận được Chúa đã yêu thương Bằng Lăng một cách rất đặc biệt.
Rồi Bằng Lăng lại tham gia vào Huynh Trưởng. Lúc đầu Bằng Lăng còn rụt rè, e sợ nhưng dần dần, tình cảm chân thành và sự giúp đỡ của anh chị em cùng với ơn Chúa đã giúp Bằng Lăng mạnh dạn hơn, chững chạc hơn trong sứ mạng phục vụ. Đó cũng chính là mái ấm thứ 2 mà Bằng Lăng có được trong đời, Bằng Lăng thấy mình thực sự yêu quý và trân trọng nó. Chính mái ấm đó đã dạy cho Bằng Lăng biết thế nào là hy sinh, thế nào là hết mình, thế nào là cảm thông với những khuyết điểm và nỗi đau của người khác, thế nào là sức mạnh của sự đoàn kết, thế nào là đau nỗi đau chung của anh em mình.
Những hình ảnh kỷ niệm ùa về, Bằng Lăng cảm nhận được những nhiệt huyết, những tiếng cười rộn ràng trong từng cuộc trại, những giây phút thầm lặng cùng với anh chị em quỳ bên Thánh Thể Chúa, những giọt mồ hôi vất vả khi làm công tác phục vụ và cả những giây phút khó khăn, thăng trầm đôi khi nhuộm màu buồn bã và thất bại. Tất cả dù đã qua đi nhưng sao như mới hôm qua thôi. Thật gần mà cũng thật xa.
Hiện giờ, Đoàn Huynh trưởng vẫn đang tiếp tục bước đi nhưng số lượng bước chân đã thưa thớt dần. Có những bước chân vẫn nhiệt huyết, bước đi không mệt mỏi, có những bước chân khập khiễng, bước thấp bước cao, lúc thẳng đường lúc sang ngang, có những bước chân ở xa, không chung đường nhưng tâm trí vẫn bước cùng người đang bước, có những bước chân bước đi vô hồn, có những bước chân đã thực sự rời bỏ con đường hẹp để đi một con đường mới rộng hơn. Mỗi bước chân ấy đại diện cho từng người anh chị em của Bằng Lăng bước đến với Chúa và hẳn nhiên có cả Bằng Lăng nữa.
Chợt chuông điện thoại reo lên cắt ngang dòng suy nghĩ của Bằng Lăng làm Bằng Lăng giật mình.Thì ra là Bạch Cúc đang gọi. Bằng Lăng chần chừ một hồi lâu rồi mới nhấc máy:
“Tao nghe nè”
“Mày đang ở đâu đó. Sao lâu bắt máy vậy?” Bạch Cúc có vẻ thắc mắc.
“À…uh… tao chẳng đang ở đâu cả.”
“Gì?” Bạch Cúc dường như hơi khó hiểu trước sự trả lời của Bằng Lăng.
“Mà mày gọi tao có gì không?”
“|Mai sinh nhật nhỏ Thủy Tiên. Tụi mình tặng gì đây?”
Thật ra tâm trạng của Bằng Lăng lúc này như một khoảng mênh mông vô định, nên Bằng Lăng cũng chẳng biết trả lời Bạch Cúc như thế nào nên đành nói thế buông xuôi:
“Thôi để mai tính nha”
“Uh. vậy cũng được.”
Cuộc nói chuyên kết thúc. Bạch Cúc cũng chợt nhận ra bạn của mình đang có vấn đề gì đấy. Bạch Cúc cảm thấy Bằng Lăng đúng là khó hiểu, nên thôi cũng chẳng muốn hỏi gì sâu xa hơn. Còn Bằng Lăng vẫn ngồi trầm ngâm ở đấy, muốn nói với Bạch Cúc như cái cách Bằng Lăng vẫn hay nói về những suy nghĩ và trăn trở, những ước mơ cũng như những nỗi buồn và niềm vui trong khi phục vụ. Bạch Cúc và Bằng Lăng vẫn hay thường nói với nhau về những điều như thế. Bằng Lăng và Bạch Cúc là đôi bạn cùng chí hướng và khá hợp ý. Và ngày Bằng Lăng bước chân vào huynh trưởng thì Bạch Cúc là người mà Bằng Lăng cảm thấy gần gũi nhất. Thế là bên cạnh việc cùng nhau phục vụ, Bằng Lăng và Bạch Cúc lại phát triển thêm một mối quan hệ tốt đẹp là tình bạn.. .Nhưng Chúa lại ban cho Bằng Lăng một quả tim nhạy cảm và một tâm hồn dễ bị tổn thương. Còn Bạch Cúc thì lại khác, nếu Bằng Lăng là cánh hoa tím buồn dễ bị vùi dập và tan nát thì Bạch Cúc lại là một bông cúc trắng đơn sơ, bình dị không bám bụi. Đó cũng chính là điều đôi khi cũng làm nên khoảng cách giữa Bạch Cúc và Bằng Lăng. Đôi khi Bằng Lăng nói về những cảm xúc của mình mà Bạch Cúc chỉ biết đưa mắt nhìn mà không thể nào hiểu nỗi. Còn Bằng Lăng thì lại thấy mình lạc lõng. Nhưng làm sao Bạch Cúc hiểu được nỗi đau trong từng câu nói của Bằng Lăng khi người này là một mặt hồ êm ả, trong xanh, không gợn sóng, còn người kia là mặt biển mênh mông, tuy yên lặng nhưng lúc nào cũng có sóng ngầm dữ dội.
Bằng Lăng nhớ lại hôm trước có ghé qua nhà Bạch Cúc. Bạch Cúc nói:
“Chán quá, dạo này huynh trưởng sao mà…nên tao…”
Bằng Lăng hiểu hết câu nói bỏ lững đó của Bạch Cúc. Và đó hẳn nhiên là nỗi đau nhói không chỉ trong lòng Bằng Lăng, Bạch Cúc mà là ở tất cả các anh chị em khác. Nhưng sao Bằng Lăng chẳng biết nói gì với Bạch Cúc lúc này. Một sự yên lặng cũng với những nỗi buồn không lời cứ bao trùm lấy Bằng Lăng và Bạch Cúc.
Bằng Lăng lại nhớ đến ánh mắt buồn bã của chị Trưởng đoàn mỗi khi lễ chiều thứ năm, giờ chào cờ sáng chủ nhật, giờ chia sẻ và quét dọn nhà thờ hàng tuần, vẫn chỉ những gương mặt ấy thôi, không thay đổi. Đôi lúc nhớ đến những ánh mắt của anh em mình, vẫn nhẫn nại, chậm rãi, âm thầm mà cứ tiếp bước, Bằng Lăng thấy thương quá, thương quá cho những tâm hồn nhiệt thành. Đôi khi nhìn những cảnh đấy, Bằng Lăng chỉ muốn bật khóc, vừa buồn vừa vui, buồn vì sao mà số anh chị em đến với công việc phục vụ quá ít ỏi, vui vì nơi đây, giữa một rừng nến đã tắt lịm từ lâu, vẫn còn những ngọn nến đang cháy sáng. Phải rồi, ánh mắt của Chúa Giêsu vẫn đang nhìn Bằng Lăng và các anh em của mình đấy thôi. Làm sao mà từ bỏ được ơn gọi khi ánh mắt Chúa vẫn dõi theo bên đời?

Một tiếng còi hú dài báo hiệu giờ tan tầm đã đến. Phố phường sắp lên đèn. Ngó ra bầu trời, ánh hoàng hôn úa màu – màu tím buồn như trên đồi chiều Can-vê Chúa chịu chết khi xưa. Bằng Lăng nhấp những giọt café cuối cùng.Từng giọt café sao mà đắng chát trong miệng, không nuốt nổi. Bất chợt, ánh mắt Chúa Giêsu lại hiện lên trong tâm trí Bằng Lăng. “ Giọt Đắng”- Chúa Giêsu đã uống chén đắng ân tình vì yêu .

1 nhận xét:

  1. Bằng Lăng!
    Bằng Lăng! 2 tiếng BL như tiếng thở dài xuyên suốt ly "Cafê một mình".
    Bằng Lăng!...quá nhạy cảm đến nỗi dễ tổn thương! Ngài ban cho BL một trái tim dễ rung động nhưng cũng dễ vỡ vô cùng...

    Trả lờiXóa

hay

Lượt xem:

Free Web Site Counter

Người đang theo dõi blog này

Powered By Blogger