Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN – C 25 – 8 – 2013

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN – C
25 – 8 – 2013
LỜI CHÚA : Lc 13, 22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng : "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết : nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng : 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng : 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết".
Suy Niệm:
Trong cuộc chiến đấu nào cũng có gian nan và đau khổ. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta điều gì ? Cửa hẹp tượng trưng sự gian nan khốn khó. Cuộc chiến càng cam go, chiến thắng càng vẻ vang. Ðể được thế, người chiến sĩ phải chiến đấu cách anh dũng, dám hy sinh, dám giao tranh để dành phần thắng. "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Với một tinh thần bất khuất, một ý chí kiên cường, họ mới trở nên người hùng của dân tộc.
Cũng vậy, để chiếm được Nước Trời, để được cứu rỗi, chúng ta phải chiến đấu với bản thân mình, phải từ bỏ và phải đánh chết đi những dục vọng, những thói xấu trong chúng ta.
Cầu Nguyện:

Lạy Cha, xin giải thoát chúng con khỏi sức nặng đang đè nén chúng con. Chúng con không thể đón nhận Ơn Cứu Ðộ, nếu chúng con không sớm biến đổi, không chết đi cho mình. Nếu chúng con không cảnh tỉnh, chúng con sẽ phải tủi nhục biết bao khi các gái điếm, kẻ trộm, dân ngoại,... vào nước Cha, còn chúng con bị đuổi ra ngoài mà vào nơi bất hạnh đời đời. Xin Cha thương chúng con vì Danh Ðức Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – C 18 – 8 – 2013

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – C
18 – 8 – 2013
LỜI CHÚA : Lc 12, 49-53
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng : “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư ? Thầy bảo các con : không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba : cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha ; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu nói : “Thầy đến để gây chia rẽ”. Một câu nói xem ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu phân tích sâu xa thì câu nói đó lại là một Chân Lý tuyệt vời. Hòa bình đích thực chỉ có sau khi đã quyết liệt chiến đấu để chọn lựa. Hòa bình chỉ có khi đã phân rẽ sự ác khỏi điều thiện, bóng tối khỏi ánh sáng... Nhờ ngọn lửa thanh tẩy mà những bợn nhơ được loại bỏ để chỉ còn lại sự tinh tuyền trọn hảo.
Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, để được sự bình an của Chúa trong cuộc sống, chúng con phải chấp nhận từ bỏ tội lỗi, từ bỏ hận thù, ghen ghét, ích kỷ... Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng con để chúng con can đảm, dứt khoát chọn lựa cho mình tình yêu chân chính và sự bình an vĩnh cửu của Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – C Lc 12,32-48

PHÚC ÂM:   Lc 12, 32-48
"Các con hãy sẵn sàng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

NHƯ NGƯỜI TÔI TỚ TRUNG TÍN

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)

Suy niệm: Một triết gia nọ nói rằng “Con người sinh ra để chết”. Chúng ta không nghĩ như ông, vì con người sinh ra ở đời để sống, cái chết chỉ là một khoảnh khắc chấm dứt sự sống, chứ không phải là cùng đích của kiếp người. Cái chết chắc chắn sẽ đến với từng người, nhưng lại đến cách bất ngờ, rất bất ngờ. Trong cuộc sống, để tránh những điều bất ngờ, chúng ta thường có sự chuẩn bị trước: binh lính tập trận, lính cứu hỏa thực tập chữa cháy… Trong bài Tin Mừng, để giúp ta chuẩn bị trước bất ngờ của sự chết, để khi sự chết đến, ta khỏi bất ngờ, Chúa làm như một người chủ đi vắng. Ta hãy có tư thế sẵn sàng như người đầy tớ ban đêm đợi chủ trở về, không phải với tâm trạng sợ sệt, nhưng tin tưởng và hy vọng. Chủ về bất cứ giờ nào cũng hài lòng vì thấy người tôi trung đang chu toàn nhiệm vụ.

Mời Bạn: Đừng chia cuộc sống thành những giây phút có Chúa hiện diện và Chúa đi xa. Bạn lúc nào cũng đang sống, đang làm việc dưới cái nhìn yêu thương chăm sóc của Chúa.

Sống Lời Chúa: Dù học hành tại trường, lao động tại xí nghiệp, buôn bán giữa chợ đời, thư giãn nơi giải trí, nghỉ ngơi tại gia đình, hãy luôn nhớ rằng mình đang hoạt động trong Chúa, theo tinh thần của con cái trung tín với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con trưởng thành như những con người tự do thật sự, vì thế, Chúa ẩn mình mặc dù vẫn hiện diện bên chúng con. Xin cho chúng con luôn trung tín và sẵn sàng theo tinh thần của Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

THĂM NHÀ CHA KHA



NGÀY NẮNG TẮT KHÔNG QUÊN.

         Cuộc đời mỗi người ai cũng có những cuộc gặp gỡ, với những con người, với những kỉ niệm. Và đã gặp gỡ chắc chắn phải có ly tan. Đó là quy luật. Và trong gặp gỡ, cũng có những con người lướt qua đời ta một cách bình thường nhưng cũng có những con người đã lướt qua nhưng lại để lại một dấu ấn không bao giờ quên. Và đối với anh chị em chúng tôi, Cha Nguyên Kha đã để lại một dấu ấn thật đặc biệt.
         Lần cuối cùng chúng tôi được gặp Cha tại Việt Nam trước khi Cha lên đường sang Mỹ du học là một ngày đẹp trời (thứ năm ngày 25-7-2013), tôi cùng chị Thuận và một số em thiếu nhi lên xe buýt để vào nhà Cha ở trong Hàm Tân. Chúng tôi háo hức lắm! Chị Trung với chị Thảo đã đi xe máy vô trước rồi. Trên xe buýt mặc dù rất mệt vì phải đứng lâu nhưng chúng tôi vẫn cười nói, lòng thầm mong cho mau tới nhà Cha. Chúng tôi còn nói đùa với nhau không biết Cha sẽ đãi chúng tôi món gì đây.Hì hì. Cuối cùng xe buýt cũng dừng tới chỗ phải đến. Chúng tôi rẽ vào một đoạn đường nhựa, rồi men theo con đường ruộng nho nhỏ ngang qua cánh đồng rau muống xanh ngút ngàn, tới một căn nhà xây màu xanh da trời với một mảnh vườn khá là rộng rãi thoáng mát. Nhà Cha đây rồi! Cha đang ngồi trên ghế dựa gỗ, đưa mắt nhìn và cười với chúng tôi. Vẫn nụ cười ấy, thân thiện và đầy hài hước! Chúng tôi quên hết mệt nhọc, bắt đầu vây lấy Cha, cười nói rôm rã. Căn nhà như cũng rộn ràng thêm, cây lá ngoài vườn cũng vi vu như cười theo.
         Một lát sau, Chị Trung với chị Thảo đi chợ về, có cả chị Tuyết Mèo nữa. Nào là mực, ghẹ, măng cụt, sầu riêng…Chà chà toàn món ngon không đây! Mỗi người một tay, chúng tôi lăng xăng chia nhau ra chuẩn bị làm cơm. Cha thì cứ nhắm vào đôi dép chị Trung mà mang, vừa đi qua đi lại vừa chọc: “ Dép gì mà toàn là hột xoàn không à, chắc phải mua một đôi qua Mỹ mang quá!” Chúng tôi cười no luôn. Mà cũng thiệt khéo, Cha mang dép chị Trung vừa y luôn, rồi còn tự ngắm khen chân mình đẹp nhất nữa chứ! Hi Hi
       Và mọi thứ cũng xong. Dọn cơm lên một chiếc bàn tròn ngoài vườn, Cha con chúng tôi quây quần ăn uống với nhau, cười nói không ngớt. Một bữa cơm kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ nhưng đối với chúng tôi giây phút này, không còn khái niệm về thời gian nữa, chỉ còn lại không gian mát mẻ cùng với những niềm vui khó tả dâng lên trong lòng, thật ngọt ngào và đầy yêu thương!
        Sau bữa cơm, chúng tôi dành tất cả thời gian còn lại để ở bên Cha, cùng với Cha xem lại VCD ngày Cha chịu chức Linh mục, cùng nhau quây quần ở ngoài vườn dưới gốc cây đào tiên để ăn bánh, uống trà và nói chuyện phím. Thật yên bình biết bao! Không khí càng về sau càng trầm lắng xuống, vì ngày đã gần hết, bắt đầu để cho những cảm xúc tiếc nuối lẫn trong  cơn gió chiều ùa về. Chúng tôi cùng với Cha chụp vài tấm lưu niệm chung và bắt đầu chuẩn bị hành trang lên đường về nhà. Chúng tôi chào Cha, cố dồn nén cảm xúc! Cha cũng thương chúng tôi, giấu tình thương ấy sau đôi mắt hay cười nhưng sâu lắng. Cha tiễn chúng tôi ra tới tận ngõ, cùng chúng tôi chờ xe buýt với chúng tôi. Khoảng thời gian ngắn ấy chúng tôi lại tiếp tục trò chuyện và cười nói thêm một trận nữa. Mặc dù trong lòng đứa nào cũng mong cho xe buýt khỏi tới để ở lại chơi tiếp với Cha.
         …
        Xe buýt từ từ lăn tới, chúng tôi chào Cha rối rít rồi lên xe. Xe vẫn vô tình nổ máy chạy. Tôi ngó ra sau ô kính, bóng Cha nhỏ dần. Phía xa chân trời, nắng đã tắt, chiều nhạt dần. Nhưng những kỉ niệm về Cha sẽ không bao giờ phai trong lòng chúng tôi, như ánh bình minh luôn rực sáng trong những góc tối của ký ức cuộc đời. Tôi tự nhủ “ Tạm biệt Cha, Cha Kha ơi!”
                                                                                                        

                                                                                  HOA XƯƠNG RỒNG                             
CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – C
Tin Mừng:Lc 12,13-21
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".
Ý CHÍNHBài Tin mừng hôm nay gồm hai phần chính như sau:
- PHẦN THỨ NHẤT: Một anh thanh niên đến khiếu nại xin Đức Giê-su can thiệp để người anh phải chia gia tài cho anh ta. Nhưng Người từ chối, và nhân dịp này đã dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ, cũng đừng trông cậy vào sự bảo đảm của tiền bạc cho tương lai cuộc đời mình.
- PHẦN THỨ HAI: Người kể ra dụ ngôn về một người giàu có chỉ lo thu tích của cải và làm giàu cho bản thân. Điều đó thật là dại khờ ! Vì chính lúc anh ta tưởng rằng tương lai cuộc đời của mình được của cải bảo đảm, để yên tâm nghỉ ngơi ăn uống và vui chơi thỏa thích, lại là lúc cái chết thình lình ập đến. Thế thì số tài sản của anh ta tích trữ kia sẽ về tay ai ? Cuối cùng Người kêu gọi người ta hãy lo làm giàu về thiêng liêng, để những của cải này sẽ có giá trị trước tòa phán xét sau này.

Suy niệm: Không biết từ đâu mà giới trẻ hôm nay có được một bản tóm lược những tiêu chuẩn thành công trên đường đời: “tiền bao la, tình bát ngát.” Sự ham mê vật chất thì không có điểm dừng, lối sống phóng túng chẳng khác gì xe lao dốc không thắng. Cơn bệnh thèm tiền, thèm tình khiến nhiều người không cưỡng nổi, làm băng hoại nhân phẩm và thui chột lương tâm vốn “tính bản thiện” mà Thiên Chúa đặt để trong con người. Điều đáng tiếc là tiền và tình bị nhầm lẫn với hạnh phúc! Hậu quả tất yếu cho sự nhầm lẫn này là đang có nhiều tiếng thở dài lo âu về một xã hội ‘kinh tế đi lên tình người đi xuống’, về sự bất an hằn sâu trong lòng người. Thảm trạng này đang minh họa lời Chúa nói, “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm.” Vì thế, cần một cuộc tự vấn nghiêm túc nơi mỗi người để thoát khỏi sự tha hóa do của cải, thói tục và trở thành người “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.
NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Bài học Chúa dạy chúng con hôm nay là phải biết khôn ngoan sử dụng tiền bạc của cải mà Chúa đã ban cho chúng con. Trong thực tế những kẻ đang giàu lại muốn ngày một giàu thêm. Còn những kẻ nghèo mà có lòng tham thì “bao nhiêu cũng không vừa”! “Cái khó bó cái khôn” “Của vào nhà khó như gió vào nhà trống”: cảnh nghèo thật khổ lắm chắc Chúa đã quá rõ.

- LẠY CHÚA. Xin ban cho chúng con “mưa thuận gió hòa”, cho con người biết nghĩ tới nhau và biết chia sẻ cho nhau các nhu cầu cần thiết. Xin Chúa soi sáng cho người giàu biết thực hành Lời Chúa dạy hôm nay để lo làm giàu về phần thiêng liêng, bằng cách sẵn sàng quan tâm chia sẻ cơm áo vật chất cho người đói khổ bất hạnh. Xin cho người nghèo đừng chỉ miệt mài đi tìm kiếm tiền của như mục đích tối hậu hay như lẽ sống cuộc đời của mình. Xin cho mọi người chúng con biết thực hành theo Lời Chúa dạy: “Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các sự khác như ăn gì mặc gì thì Người sẽ thêm cho chúng con sau” (Mt 6,33).

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Đại Hội Giáo Lý Viên Giáo Phận Phan Thiết 28.7.2013

Trong bầu khí toàn Giáo hội Việt Nam mừng sinh nhật trên trời của chân phước Anrê Phú Yên, Ban giáo lý Giáo phận Phan Thiết tổ chức ngày họp mặt các giáo lý viên (GLV) khắp giáo phận.


Đúng 8g30 sáng hôm nay 28.7.2013, 700 giáo lý viên từ khắp nơi trong giáo phận tập trung vào nhà thờ chính Tòa Phan Thiết để bắt đầu chương trình ngày họp mặt. Khởi đầu là nghi thức tôn vinh chân phước Anrê Phú Yên, với việc cung nghinh và niệm hương. Sau đó, cha Tổng Đại Diện phát biểu cho ngày đại hội. Dựa trên Tông thư Porta Fidei của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô 16 và thư chung của Đức Giám mục Giáo phận, cha Tổng gợi lên 3 tâm tình dành cho giáo lý viên: tham dự vào sứ vụ của Chúa Giêsu, tham dự vào sứ vụ giáo huấn của Giáo hội và thi hành sứ vụ truyền giáo.

Trong giờ khai mạc, ngoài Cha Tổng đại diện, thay mặt Đức Giám mục Giáo phận nhắn nhủ các giáo lý viên trong ngày đại hội, có cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, Trưởng ban giáo lý giáo phận, cha Phêrô Nguyễn Xuân Anh, Trưởng ban giáo lý giáo hạt Bắc Tuy, cha Gioan Nguyễn Kim Hà, Trưởng ban giáo lý giáo hạt Hàm Tân và cha Phêrô Đặng Hữu Châu, đại diện giáo hạt Đức  Tánh. Nhà dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết cũng gởi 100 nữ tu đến tham dự. Tổng số các GLV của 5 giáo hạt về tham dự là 873 GLV, trong đó, Giáo hạt đông nhất là hạt Hàm Tân với 270 GLV, Giáo xứ đông nhất là Tân Lý với 30 GLV.

Tiếp theo, cha Trưởng ban giáo lý Giáo phận khai mạc bằng đoạn Tin mừng nói về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, để trình bày về chủ đề của ngày đại hội “HÃY MỞ CÁNH CỬA ĐỨC TIN”. Ngài nói mỗi người phải mở cánh cửa ra để gặp gỡ Thiên Chúa, phải mặc lấy Đức Kitô bằng việc nghe lời Chúa. Đức Giêsu mời gọi ta mở cửa để đón Ngài vào nhà tâm hồn ta, nhưng khi mở ra, ta gặp thấy Ngài đang chờ đợi ta ở bên trong. Gặp Đức Kitô sẽ an vui. Ngày nay người ta coi ánh sáng đức tin là một ánh sáng kỳ quặc, không thể chấp nhận được, trong khi đó sự truyền đạt một cách thiếu hiểu biết của giáo lý viên lại làm cho ánh sáng đó lu mờ đi. Đó là một thách đố lớn cho việc rao giảng Tin mừng. Đức tin đòi hiểu biết. Tin có nghĩa là gắn bó với Chúa Kitô, vì thế phải hiểu Đức Kitô là ai; Tin có nghĩa là đi vào mầu nhiệm sâu xa của Chúa Kitô, như thế phải hiểu biết bằng việc nghe lời Ngài. Nói chung, sứ mạng lớn lao của giáo lý viên là “hãy mở cánh cửa đức tin”.

Lúc 9g30, các GLV được chia thành các nhóm tương ứng với các khối lớp: khai tâm, xưng tội rước lễ, thêm sức, thăng tiến, dự tòng và hôn nhân. Các anh chị sôi nổi chia sẻ kinh nghiệm cũng như những thao thức của mình nhằm mong có được cách thức giảng dạy giáo lý hiệu quả hơn. Các nhóm thảo luận đề tài đã được gởi trước và chia sẻ kinh nghiệm đứng lớp.

Đến 13g30, sau hai giờ nghỉ trưa và giao lưu, các nhóm về lại nơi tập trung để đúc kết những thảo luận của nhóm. Các nhóm chủ yếu trình bày những khó khăn về phía học viên cũng như về phía GLV. Có những hạn chế của lứa tuổi hay những nhu cầu riêng của mỗi học viên. Tuy nhiên đa số các GLV đều thao thức với sứ mạng của mình, tìm cách để vượt qua những khó khăn. Dầu vậy các GLV ở các khối cũng mong muốn có được những phương tiện giảng dạy thích hợp với lứa tuổi như phương tiện nghe nhìn, những bài hát, hình vẽ, trò chơi… Họ mong sự trợ giúp từ Giáo phận để có thể sử dụng những phương tiện ấy dễ dàng. Trên hết là các GLV đều muốn rằng GLV phải là một người để làm gương cho các em nhỏ từ trong lời nói đến việc làm.

15giờ Thánh lễ bắt đầu và kết thúc bằng nghi thức sai đi. Mỗi người thắp một ngọn nến sáng, lấy ánh lửa từ nến Phục Sinh. Những ngọn nến trên tay có lẽ đã lan đến tận trái tim của mỗi người, khiến niềm vui của họ mang một dấu ấn thiêng liêng mà họ khó diễn tả ra được.

Ước mong mỗi GLV trở thành một “ánh sáng đức tin” cho thế giới, từng giờ, từng ngày và mãi mãi.

Bài: Dom. Hoàng Vương
Ảnh: Kiều Oanh

Lượt xem:

Free Web Site Counter

Người đang theo dõi blog này

Powered By Blogger