Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Bà HÁN



Bà HÁN đã già lắm rồi. Mái tóc bạc phơ, cái lưng còng xuống như đã quá mệt mỏi bởi những gánh nặng của một đời người.
Tôi biết bà từ khi tôi mới bắt đầu bỡ ngỡ bước vào nhà thờ tham dự thánh lễ. Nhưng tôi có bao giờ để ý tới bà. Tôi chỉ thấy sợ bà vì dáng bà đi quá lầm lũi, không nhìn cũng chẳng nói chuyện với ai.
Mỗi ngày tôi mỗi lớn, Đức Tin cũng ngày càng trưởng thành nên tôi cũng đủ khôn mà nhận ra rằng “Cuộc sống của tôi phải biết kết hợp với Chúa”. Vì thế, tôi thường xuyên đến với Chúa trong thánh lễ thường ngày. Và những lúc đó tôi gặp bà.
Ở bà, tôi bắt gặp một tấm lòng sốt sắng thật sự mà tôi ít khi gặp. Hầu như ngày nào bà cũng đi lễ, cả lễ sáng lẫn lễ chiều, dù trời nắng nóng bức hay trời mưa lạnh lẽo. Mỗi lần tôi bước chân vào nhà thờ là hình dáng lặng lẽ, âm thầm của bà đập ngay vào mắt tôi. Bà đến nhà thờ từ rất sớm. Bà vẫn quỳ đấy, cặp mắt đầy vết chân chim ẩn sâu một nỗi u buồn khôn tả. Bà ngước mắt lên bàn thờ, lâm râm đọc kinh cầu nguyện trong niềm phó thác rất chân thành.
Bà đọc kinh rất to. Cái giọng khàn và nặng của bà thật là gây ấn tượng không những đối với tôi và với tất cả mọi người. Đôi lúc, cái giọng to đó của bà gây chú ý và làm khó chịu cho người khác. Vì nhiều khi người ta chưa kịp đọc kinh thì bà đã đọc rồi, làm cho cộng đoàn khó mà đọc kinh cho khớp với nhau. Giọng đọc của bà cũng thấp, mà lại to, nên khi bà cất giọng lên thì lại kéo cả cộng đoàn lạc giọng, người đọc cao, kẻ đọc thấp. Đôi lúc các em thiếu nhi nghe giọng bà cất lên thì lại mắc cười nhưng nào có dám cười to.
Dù tôi ngồi ở vị trí nào trong nhà thờ để dâng lễ, thì cái giọng của bà vẫn vang vang bên tai tôi, không thể lẫn lộn được. Giữa muôn vàn thanh âm của biết bao nhiêu con người đang đọc kinh nguyện chung trong giờ lễ, tôi nghe tiếng bà cất lên tha thiết lẫn u buồn, không chỉ dừng lại là thanh âm phát ra từ môi miệng, mà đó chính là những thanh âm phát ra từ tận đáy lòng bà, của một con người mà tuổi đã xế chiều chỉ còn biết nương tựa vào lòng thương xót của Chúa.
Không phải bà cố tình đọc to để rồi gây chú ý thậm chí khó chịu cho người khác đâu, nhưng vì lòng mến Chúa, có bao nhiêu hơi thở, bao nhiêu sức lực bà đều cố gắng hết mình trong từng lời kinh của mình, để hiệp với cộng đoàn dâng tâm hồn mình lên Chúa. Lắm lúc bà cố gắng đọc cao lên cho khớp với cái tông đọc chung của cộng đoàn. Qua tiếng đọc của bà, tôi cảm nhận được sự cố gắng đó. Và tôi nghĩ rằng đó là một điều đáng quý. Bà đã già rồi, làm sao giọng có thể cao thánh thót như những người còn trẻ, nên giọng bà vẫn cứ lạc, cứ xuống thấp rồi lại cố lên cao. Nhưng tôi tin rằng sự cố gắng nhỏ nhoi của bà đã làm đẹp lòng Chúa rồi.
Sau giờ lễ, bà cũng chưa về nhà liền. Bà ra núi đá Đức Mẹ phía trước nhà thờ đọc kinh mãi cho tới tối. Nhìn dáng bà lom khom leo lên từng bậc tam cấp ở núi đá Đức Mẹ để thắp nến, thắp hương, tôi thấy mới cảm động làm sao !
Một hôm vào chiều Chúa Nhật, sau giờ sinh hoạt của Thiếu Nhi, tôi nán lại nhà thờ ít phút để cầu nguyện riêng với Chúa. Tôi lại bắt gặp bà đang quỳ, bàn tay già nua, run run khẽ lau vội dòng nước mắt đang trào ra nơi khoé mi. Tôi biết bà đang khóc. Tôi thầm hỏi lòng rằng không biết bà đang muộn phiền và đau khổ điều gì trong lòng, và bà cũng chẳng có thể bày tỏ với ai khác ngoài Chúa. Tôi thấy thương bà làm sao, chỉ mong sao bà sẽ được yên ủi và an bình trong tình yêu của Chúa !
Bà tuy đã già nhưng bà vẫn rất quan tâm đến nhịp sống Đức Tin của giáo xứ. Cụ thể là từ khi Cha Xứ kêu gọi mọi người đi lễ cố gắng dồn lên bàn trên ngồi để gần Chúa hơn và cũng là để người đến sau có đủ chỗ ngồi, thì tôi thấy bà thật nhanh nhẹn bước lên bàn trên, dù đôi chân của bà đã yếu. Cha Xứ không cần nhắc thì bà vẫn lọ mọ đi lên phía bàn trên cùng ngồi để dâng lễ.
Nhìn bà, tôi thấy có một chút hổ thẹn riêng cho chính mình và chung cho những lớp người trẻ như tôi. Cuộc sống hiện đại,công nghệ phát triển, tôi cũng như những người trẻ khác cũng dễ dàng đâm đầu vào công việc, chạy theo những gì là hiện đại, tân thời. Các em thiếu nhi bây giờ cũng chỉ biết đến Internet, biết đến những thứ tiêu khiển giải trí hiện đại hơn. Còn việc đọc kinh, cầu nguyện, tham dự thánh lễ xem ra ngày càng xa lạ và lỗi thời.
Tôi không quơ đũa cả nắm vì tôi biết rằng đâu đó giữa đống tro tàn, vẫn còn những hòn than âm thầm cháy sáng. Tôi vẫn hiểu rằng mỗi thời đại, mỗi thế hệ mỗi ngày mỗi khác. Nhưng cái tôi muốn nói đến đó là đời sống Đức Tin dường như càng ngày càng nhạt nhoà trong đời sống mỗi người Ki-tô hữu mà hay gặp nhất là ở những người trẻ. Tôi chắc chắc rằng không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai có tâm hồn biết trăn trở đều cảm nhận được điều này.
Trong những thánh lễ, tôi quan sát, đi lễ sớm vẫn là những người có tuổi hoặc đã già, đọc kinh sốt sắng cũng chính họ chiếm số đông. Còn những người trẻ chúng tôi ở đâu? Mà sao chúng tôi lại đi lễ trễ hoặc quá trễ, lén lén lút lút ngồi ghế dưới thậm chí có được mời cũng không dám bước lên trên chứ đừng nói chi là tự giác. Tại sao chúng tôi trẻ nhưng chúng tôi lại đến với Chúa quá chậm chạp và lề mề với một tâm hồn quá già nua và cằn cỗi? Cụ thể nhất là ở lễ chiều thứ Bảy dành cho Giới Trẻ. Giờ đọc kinh chẳng thấy người trẻ đâu, mà sao chỉ toàn là những ông bà già và lác đác vài ba người trẻ. Trong khi đó bà Hán, và các ông, các bà khác dù đã già , học vấn không cao như những người trẻ như tôi nhưng lại đến với Chúa một cách sốt sắng với một tâm hồn tràn ngập niềm vui tươi.
Các em thiếu nhi cũng không buồn mở miệng đọc kinh. Tôi nhìn các em mà lòng thấy đau xót. Tôi nhắc các em đọc kinh nhưng dường như lời nói của tôi không có tác dụng, các em chỉ nhìn tôi bằng một ánh mắt ngơ ngác và dửng dưng.
Nhận ra những điều đó, thoáng chốc tôi bỗng giật mình vì mình cũng là con người yếu đuối và nhát sợ mà thôi, khó mà tránh khỏi được những vòng xoáy đang diễn ra ở cuộc sống hiện tại này. Nhưng tôi tin ở sức mạnh đỡ nâng của Chúa. Chỉ cần biết kết hợp với Người thì những con người yếu đuối sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Cũng như bà Hán, còn có rất nhiều cụ ông cụ bà khác trong giáo xứ dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn tham dự thánh lễ đều đặn và sốt sắng. Tôi ít khi bắt gặp bà Hán cũng như các cụ ông cụ bà khác được con cháu đưa đi tham dự lễ. Hầu hết là các cụ đều phải tự đi. Người trẻ như tôi và các bạn, lắm lúc vì cuộc sống quá bận rộn, đã quên đi rằng: bên cạnh mình còn có những bóng hình âm thầm, bị bỏ lại đằng sau nhịp sống sôi động này đó chính là ông bà, cha mẹ đã già của mình đang cần bàn tay yêu thương và dìu đỡ của những người trẻ là những đứa con, đứa cháu hôm nay.
Một lần tình cờ trên đường đến nhà thờ, tôi gặp bà Hán. Bà vẫn lom khom vừa đi vừa đọc kinh với tràng hạt trong tay. Tôi khẽ gật đầu chào bà. Bà nheo mắt nhìn, bà nào có biết ai. Nhưng không hiểu sao tôi lại thấy vui trong lòng.
Cũng có những lần sau giờ lễ, tôi có dắt một cụ bà xuống bậc tam cấp. Cụ vui lắm, cụ cười móm mém cảm ơn tôi. Tự dưng tôi thấy rất vui và thương các cụ làm sao! Tôi cảm nhận được các cụ cần đến sự chăm sóc và yêu thương của con cháu như thế nào.
Với lòng kính trọng chân thành, con xin cảm ơn bà Hán, cảm ơn các cụ là những chứng nhân sống động nhất của Đức Tin đã giúp cho con là những người trẻ biết nhìn các cụ mà soi xét lại đời sống Đức Tin của chính mình. Và con cũng xin tạ ơn Chúa đã soi sáng cho con để con nhận ra được những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống này.
Cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả các cụ ông, cụ bà sẽ có được những phút giây an bình trong những ngày gần đất xa trời. Và cầu xin Chúa nâng đỡ cho những người trẻ chúng con biết yêu quý, kính trọng ông bà, cha mẹ mình. Và hơn hết, xin cho chúng con không quên rằng chúng con còn có một Người Cha mà chúng con phải hết lòng phụng thờ đó chính là Chúa. Để dù cuộc sống này có đưa chúng con đi về đâu thì chúng con luôn ý thức rằng: Về với Cha là tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình.
Hoa Xương Rồng
Lượt xem:

Free Web Site Counter

Người đang theo dõi blog này

Powered By Blogger