Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Tuần 17 thường niên năm C


Lời Chúa:
Mt 13,36-43
Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng
: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.
Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi k
ẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong N
ước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong nước Cha họ (Mt 13,43)


Suy niệm:
Suy gẫm
1. Ta hãy suy nghĩ về thái độ kiên nhẫn của Chúa đối với những người xấu. Chúa kiên nhẫn vì:
a/ Nhân từ chờ kẻ xấu ăn năn. “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn leo loét Ngài không nỡ tắt đi”; “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”
b/ Vì tôn tọng tự do mà Ngài đã ban cho mỗi người.
2. Trách nhiệm mỗi người:
a/ Sử dụng tự do để chọn điều tốt;
b/ Tác động lên những người xung quanh để “tranh thủ” lôi họ về phía tốt.
3. Với thời gian, lúa có thể lớn mạnh lấn át cỏ lùng, nhưng đồng thời cỏ lùng cũng có thể lớn mạnh làm chết lúa. Do đó sự kiên nhẫn chờ đợi của Chúa vừa là cơ hội mà cũng là nguy cơ cho mỗi người chúng ta. Hôm nay tôi còn xấu nhưng ngày mai tôi có thể trở thành tốt. Ngược lại, hôm nay tôi tốt nhưng ngày mai tôi có thể trở thành kẻ xấu.
Bởi đó, tôi chớ nên vội đánh giá người khác, và cũng chớ nên tự mãn về mình. Mọi người phải tận dụng thời giờ và cơ hội Chúa để ngày càng trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.
4. Một Giám mục chúc mừng một viên quản lý gian hàng điện khí về công việc tốt đẹp của anh. Ngài nói rằng không bao giờ hết ngạc nhiên về khoa điện năng tuyệt vời.
- Đúng, và con cũng chưa bao giờ nghĩ về điều đó mà không ngạc nhiên về sự kiên trì của Chúa.
- Sự kiên trì của Chúa? Anh muốn nói gì?
Ngài có bao giờ tự hỏi sao Đấng sáng tạo phải đợi hàng thế kỷ mới có một vài người khám phá nguồn điện phong phú trong vũ trụ chỉ chờ được sử dụng?
5. “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như Mặt trời trong nước Cha họ” (Mt 13,43).
Trên đường về quê trời, từ xa chúng ta đã thấy thấp thoáng đích đến. Kìa tại sao bạn dừng lại? Không! không thể được! Đừng dừng lại bạn nhé!
Tôi biết bạn đang chao đảo vì nắng gắt của dư luận. Tôi biết gối bạn đã chồn, chân bạn đã mỏi đã nát vì chông gai, nay lại hụt hẫng do những vực thẳm của bất công và những khúc quanh của lòng người. Đừng cố làm ra vẻ thản nhiên, đừng cố che dấu cái tôi đầy đau khổ thất vọng. Bạn hãy cùng tôi đọc lại câu Tin Mừng này để san sẻ cho nhau niềm hy vọng. Quãng đường còn lại chắc chắn sẽ vui vẻ hơn, đỡ vất vả hơn.
Bạn nhìn về phía trước và cùng tôi dấn bước tiến lên. Tôi đã thấy nghị lực và hạnh phúc trong mắt bạn. Chúng ta sẽ cập bến.
Lạy Chúa, được nên công chính trong Bí tích Thánh Tẩy, xin cho chúng con biết nâng đỡ nhau trên con đường công chính, con đường về nhà Cha.
6. Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Đó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tăm tối. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm.” Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn.
Cầu nguyện:
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.
Amen.

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Suy niệm lời Chúa, Chúa Nhật 17 thường niên năm C

Lạy CHA chúng con

Suy niệm:

Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Có lẽ khi Người cầu nguyện, có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn toả ra. Vì thế, các Tông đồ xin Người dạy cách cầu nguyện. Và Người đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha mạc khải cho ta hai điều quan trọng.

1. Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Có lẽ vì đã đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha một cách máy móc nên ít khi ta cảm nhận được hết ý nghĩa thâm sâu nằm trong từ ngữ “Cha”.

Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sự: “Lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi “Ba ơi”, tôi bủn rủn cả tay chân. Một luồng điện cực mạnh chạy khắp thân thể. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Quả thực, mối liên hệ Cha-Con là một mối liên hệ rất thâm sâu, huyền bí và thân thiết.

Gọi ai là Cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ Cha, ta nhận được món quà tặng quí giá nhất đó là sự sống. Có những người cha không chỉ sinh con về mặt thể xác mà còn cho con một đời sống tinh thần. Đó là những người Cha có nhân cách lớn, kiên trì đúc nặn nên những đứa con có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách làm người.

Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Nói tóm lại, từ ngữ “Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm không bút nào tả xiết được.

Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.

2. Mọi người là anh em

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện: Lạy Cha chúng con... Xin Cha cho chúng con... Chứ không dạy ta đọc: Lạy Cha của con... Xin Cha cho con... Nghĩa là tất cả mọi người có cùng một Cha. Mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa. Là anh em nên phải có tình yêu thương đoàn kết, liên đới với nhau. Liên đới trong đời sống, liên đới trong cả lời cầu nguyện.

Một lần dâng lễ chung với những người bạn Mỹ, tôi đã hỏi họ trong giờ chia sẻ: Hằng ngày các bạn vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Vậy khi đọc câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” các bạn cầu xin điều gì? Vì ở Mỹ tôi thấy lương thực dư thừa, không ai phải chết đói. Họ trả lời: Chúng tôi vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Và với câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” chúng tôi vẫn cầu xin tha thiết. Vì tuy chúng tôi đã đủ ăn đủ mặc, chúng tôi vẫn nhớ đến những anh em bên Phi châu, bên Àu châu đang phải đói khát khổ sở.

Câu trả lời thật chính xác. Vâng, chúng ta là anh em nên phải liên đới, có trách nhiệm về nhau. Trong bài đọc 1 hôm nay, tổ phục Abraham đã nêu gương liên đới khi tha thiết cầu nguyện cho thành Sođoma khỏi bị phạt.

Nếu trong gia đình đứa em út yếu đuối bệnh tật luôn được thương yêu cưng chiều, thì trong kinh nguyện, ta cũng phải ưu tiên cầu nguyện cho những anh em bé nhỏ trước hết.

Nếu lời cầu nguyện của ta là lời của đứa con nhỏ nói với Cha, và là tâm tình liên đới yêu thương với mọi anh em trên khắp thế giới, lời cầu nguyện ấy sẽ rất đẹp và Thiên Chúa sẽ hài lòng.

Cầu nguyện:

Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin thương xót chúng con.
Amen.

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Suy niệm lời Chúa, thứ 3 tuần 16 thường niên năm C

Lời Chúa:
Mt 12,46-50

Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh

em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ

và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

Suy niệm:

Phân tích

Thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong chuyện này nhằm đề cao những người lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Chúa quý trọng họ hơn những người có liên hệ huyết nhục với Ngài nữa.

Suy gẫm

1. Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta, nên Ngài cũng có một gia đình tự nhiên, Ngài yêu mến cha mẹ, anh chị em bà con. Nhưng Ngài còn một gia đình thiêng liêng đó là những môn đệ và những kẻ nghe lời Ngài giảng dạy. Điều đặc biệt là Ngài quý trọng gia đình thiêng liêng này hơn gia đình tự nhiên kia.

Tôi thuộc về gia đình thiêng liêng của Chúa. Tôi được Chúa yêu thương hơn cả những người ruột thịt của Ngài. Thật là hạnh phúc. Cám ơn Chúa.

2. Nhưng để xứng đáng với tình yêu thương ấy. Tôi phải lắng nghe Lời Chúa và làm theo ý Cha.

Hơn ai hết, Đức Mẹ là gương mẫu lắng nghe và thi hành ý Chúa, cho nên Đức Mẹ vừa thuộc gia đình tự nhiên vừa thuộc gia đình thiêng liêng của Chúa.

Xin Đức Mẹ dạy con noi gương Đức Mẹ.

3. Lắng nghe Lời Chúa và làm theo ý Chúa phải đi đôi với nhau, bởi vì nghe không phải để bỏ qua mà để thi hành. Mỗi tuần, mỗi ngày tôi đều có nghe Lời Chúa. Nhưng xét kỹ xem tôi có “lắng nghe” không, và có cố gắng thi hành ít là một phần nào đó không.

4. Kitô giáo vốn là đạo của Lời. Thiên Chúa nói với con người, đó là mặc khải nền tảng của Thánh Kinh. Thiên Chúa nói với con người bằng muôn ngàn cách thế, nhưng thinh lặng là cách thế quan trọng nhất. Chính trong thinh lặng của cõi lòng mà Thiên Chúa nói với con người; chính trong thinh lặng của thiên nhiên và các biến cố mà Thiên Chúa nói với con người. Do đó, chính trong thinh lặng, con người mới nghe được lời của Ngài.

Những dòng trên khuyến khích tôi xét lại sự thinh lặng nội tâm của tôi. Mỗi ngày tôi thực sự thinh lặng bao nhiêu phút? Nhiều khi tôi im lặng chứ không phải thực sự thinh lặng nội tâm.

Lạy Chúa, giữa muôn ồn ào náo động của cuộc sống, xin cho con giữ được sự thinh lặng trong tâm hồn, để luôn lắng nghe được Lời Chúa, và nhất là nhận ra được tiếng Chúa trong mọi quan hệ của con.

5. “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50).

Người thanh niên đến gặp Chúa Giêsu trên con đường Ngài cùng môn đệ dấn bước. Ngài đã nhìn anh và đem lòng mến yêu.

Con chợt rung động dưới ánh mắt của Chúa. Xin cho cái nhìn của tôi dừng lại với những thành kiến hẹp hòi, chẳng dừng lại nơi những cao ngạo phô trương, nhưng cứ vút xa mãi, vượt quá lớp sương mù để chiếu vào tậm cõi thâm sâu, để nhìn thấy hình ảnh Cha đang ẩn mình trong mỗi tâm hồn. Cái nhìn không bị bó hẹp trong khuôn khổ một gia đình nhỏ bé tự nhiên, nhưng vượt quá những khác biệt, những bức tường ngăn cách, những liên hệ máu mủ ruột thịt, để sống tuân phục như định nghĩa của tình yêu, để thiết lập những dây leo tình thương liên kết mọi tâm hồn nhân loại trong gia đình rộng lớn của Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy con biết sống như người anh em của Chúa, bằng sự hiện diện đầy dẫy yêu thương tích cực trong lòng Giáo Hội và giữa mọi người anh em. Amen.

Suy niệm lời Chúa, thứ 2 tuần 16 thường niên năm C

Lời Chúa:
Mt 12,38-42
Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Đức Giêsu
rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.
Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ
tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.

Suy niệm:

Phân tích

Những người Biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Thực ra Chúa Giêsu đã cho họ biết bao nhiêu dấu lạ mà họ có chịu thấy đâu. Vì thế Ngài nói chẳng cần cho họ dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giôna, tức là ám chỉ Ngài sẽ chết và sống lại. Nhưng Ngài cũng biết là dấu lạ đó cũng chẳng thể mở mắt họ nổi, cho nên Chúa Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.

Suy gẫm

1. “Chúng tôi muồn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm phép lạ tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mặt nhiều người. Chúng ta nghĩ nếu có những dấu lạ ấy thì mọi người đều tin thờ Chúa.

Thực ra Chúa thừa sức làm những phép lạ như thế. Nhưng những dấu lạ như thế sẽ là một áp lực, một bó buộc khiến người ta phải tin thờ Ngài, không cách nào khác được. Và như thế con người không còn được tự do, Chúa không phải là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.

Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng thích ban dấu chỉ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Và những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt mở lòng ra là có thể thấy ngay.

2. Một cụ già suốt ngày ngồi trên ghế xích đu và thề sẽ không bao giờ đứng dậy cho đến khi gặp được Chúa. Một cô bé đang chơi với một quả bóng thấy thế liền hỏi:

- Suốt ngày cụ ngồi đong đưa trên chiếc ghế này để chờ đợi Chúa sao?

- Đúng thế, trước lúc nhắm mắt lìa đời ta muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa. Ta chỉ cần một dấu chỉ. Nhưng tới nay ta chưa nhận được dấu chỉ nào.

- Thưa cụ, Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ hít thở, mỗi khi cụ ngửi một cánh hoa thơm, mỗi khi cụ nghe tiếng chim hót, mỗi khi có một đứa trẻ chào đời. Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ cười hay mỗi khi cụ khóc, mỗi khi cụ cảm thấy nước mắt lăn trên gò má cụ. Chúa ban cho cụ một dấu chỉ trong mưa gió và khi thời tiết thay đổi. Có biết bao nhiêu dấu chỉ nhưng tại sao cụ chưa tin? Cụ ơi, Chúa ở trong cụ, Chúa ở trong cháu. Không phải cần tìm kiếm vì Ngài luôn có đó. Má cháu luôn căn dặn cháu: “Này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả.”

Cụ già ngạc nhiên khi thấy những lời như thế thốt ra từ môi miệng một cô bé nhỏ xíu. Phần cô bé, cô vừa chạy vừa nói lớn: “Má cháu luôn căn dặn: này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả.”

3. Vấn đề của chúng ta ngày nay không phải là không có dấu chỉ mà là không biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó. Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu. Chẳng hạn, tôi có hiểu ý nghĩa những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình không: tôi bị bệnh… tôi bị người ta phê phán… tôi vừa gặp thất bại… Tại sao? Qua những điều ấy, Chúa muốn nói gì với tôi?

4. Qua hình ảnh Giôna để loan báo sự vâng phục cho đến chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn nói đến con đường mạc khải của Thiên Chúa, đó là con đường tình yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là có tự do và biết yêu thương, cho nên Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, và cuối cùng chịu chết treo trên Thập Giá, tất cả để trở thành lời mời gọi đối thoại trong yêu thương.

Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.

Cầu nguyện:

Xin cho lý tưởng chứng nhân luôn bừng sáng trong chúng ta, để dù sống trong đau khổ, thử thách, chúng ta vẫn trung thành với tình yêu Thiên Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Suy niệm lời Chúa, thứ 7 tuần 15 thường niên năm C

Người Tôi Trung hiền lành
Lời Chúa (Mt 12,14-21):
Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu. Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: "Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người."

Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu:
Ta hài lòng về Người
(Mt 12, 18)

Suy niệm:
Mặc dù bị các người Biệt phái Pharisiêu chỉ trích, Chúa Giêsu không trả đũa nhưng “lánh đi nơi khác” (c15);
Dù Ngài đã làm những phép lạ hiển hách và được dân chúng ngưỡng mộ, Ngài vẫn khiếm tốn “cấm họ không được tiết lộ Ngài với ai” (c16).
Thái độ bất bạo động đó làm cho Ngài rất giống với hình ảnh Người Tôi Tớ hiền lành mà Isaia đã tiên báo: “Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường, cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…”

Suy gẫm:
1. Những người Biệt phái đã bao phen chống đối Chúa Giêsu. Hôm nay họ còn bàn mưu hãm hại Ngài. Chúa Giêsu thừa khả năng chống lại họ, nhưng Ngài rời nơi ấy tránh đi nơi khác. Đối đầu và trả đũa không phải là phương cách hay nhất. Khi nào còn có thể nhường thì nhường, còn có thể nhịn thì nhịn.

2. “Ai có bệnh đều được Ngài chữa lành. Ngài cấm họ đừng nói cho ai biết Ngài.” Chúa không muốn phô trương những phép lạ của Ngài, một đàng không muốn người ta hiểu sai về tư cách Đấng Messia của Ngài, mặt khác vì khiêm tốn như lời Ngài đã dạy: “Đừng phô trương công đức trước mặt người ta.”

3. “Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường.” Xin Ngài dạy cho con được như Ngài, không thích to tiếng, cãi cọ, ăn thua…

4. “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…” Xin Chúa dạy con noi gương Chúa, trân trọng bảo vệ, khuyến khích và nuôi dưỡng những gì tốt đẹp còn lại trong lòng những kẻ mà người ta đã cho là hư đốn.

5. Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt phái ghen ghét và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Matthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Đấng Thiên sai là Con Thiên Chúa, Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài: một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng. Ngài không cãi vã, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Đó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Thiên Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.

Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói :”Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” Ngài luôn quả quyết: “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại” và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên đàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.

Cầu nguyện:
Xin Chúa cho chúng ta thấu hiểu lòng Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Xin cho chúng ta hết lòng trở về với Chúa để được ơn cứu độ.
Amen.

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Suy niệm lời Chúa, thứ 6 tuần 15 thường niên

Lời Chúa (Mt 12,1-8):
Hôm ấy, vào ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!" Người đáp: "Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày Sabát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật Sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát."

Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (Mt 12,7)


Phân tích:
Chúa Giêsu bị các người Biệt phái kết án vì chuyện các môn đệ Ngài bứt lúa trong ngày Sa bát.

Thực ra điều mà các người Biệt phái trách không phải vì họ đói mà bứt lúa để ăn vì trong Đnl 23,26 cho phép ăn lúa nơi đồng của người khác; nhưng vì họ đã làm việc trong ngày hưu lễ trong Xh 34, 21 cấm gặt lúa trong ngày Sa bát: người Biệt phái quá vụ luật đã coi việc bứt vài bông lúa có nghĩa là gặt lúa!. Trong câu chuyện này cũng nên lưu ý câu trả lời của Chúa Giêsu trích trong Hôsê 6,6 “Ta muốn tình thương chứ không màng hy lễ.”

Suy gẫm:
1. Vụ việc này là một minh họa cho thấy Luật (“ách”) của người Biệt phái do không có tình thương trong đó nên đã trở thành nặng nề như thế nào. Họ không hề quan tâm đến cơn đói của các môn đệ, mà chỉ rình mò xem các ông có làm gì phạm đến luật không để mà kết án.
Khi không có tình thương, mọi sơ hở nhỏ nhoi của anh chị em tôi đều có thể bị tôi kết án. Ngược lại, khi đã thương thì tôi có thể thông cảm cho những sai lầm đó cách dễ dàng.

2. “Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ”: Chúa Giêsu muốn tôi lấy lòng nhân từ mà đối xử với anh chị em mình. Đó chính là của lễ quý hơn mọi của lễ khác mà tôi có thể dâng lên cho Chúa.
Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh chị em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh chị em theo những việc bên ngoài.

3. “Con người là chủ của ngày Sa bát”: tôi phải giữ luật vì Chúa chứ không phải vì luật.

4. Qua vụ việc này, Chúa cũng dạy ta đừng xét đoán người khác một cách “Lý thuyết”, mà phải để ý đến hoàn cảnh nữa.

5. Ngày nọ Khổng Tử dẫn đệ tử từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám đệ tử có Nhan Hồi và Lộ Tử là hai môn sinh được Khổng Tử sủng ái nhất.

Thời Đông Chu, loạn lạc khắp nơi khiến dân chúng lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng có nhiều ngày nhịn đói cầm hơi. Ngày đầu tiên đến đất Tề, Khổng Tử và các môn sinh được một người nhà giàu biếu một ít gạo. Khổng Tử liền phân công: Lộ Tử và các môn sinh khác vào rừng kiếm củi, còn Nhan Hồi đảm nhận việc nấu cơm.
Đang đọc sách ở nhà trên, Khổng Tử bỗng nghe thấy tiếng động ở nhà bếp. Nhìn xuống, ngài bắt gặp Nhan Hồi đang mở vung xới cơm cho tay vào nắm từng nắm nhỏ rồi bỏ vào miệng. Khổng Tử than thở: “Người học trò tín cẩn nhất của ta lại là kẻ ăn vụng.”
Khi Lộ Tử và các môn sinh khác trở về, Khổng Tử cho tập họp các môn sinh lại và nói:
- “Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm cho thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương, thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ. Nhưng liệu nồi cơm này có sạch không?”
Nhạn Hồi chắp tay thưa: “Dạ nồi cơm này không sạch. Khi cơm vừa chín con mở vung ra xem thử. Chẳng may một cơn gió tràn vào. Bồ hóng và bụi rơi xuống làm bẩn nồi cơm. Sau đó con xới cơm bẩn ra định vất đi. Nhưng nghĩ rằng cơm ít mà anh em thì đông. Cho nên con đã ăn phần cơm ấy. Thưa thầy như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi."
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngẩng mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Suýt nữa Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ.”

6. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7).
Tôi đứng đó dưới ánh Mặt trời. Trước mặt tôi bóng đen đổ dài phía sau trên nền đất. Tôi chợt nghĩ: Mặt trời sao đen thế!
Xoay người 180 độ, cái bóng vẫn đổ dài phía sau trên nền đất. Nhưng truớc mặt tôi Mặt trời bừng sáng rực rỡ.
Lời Chúa hôm nay hé mở cho tôi lối sống mới, lối sống tự do của lòng nhân từ, không sợ hãi, không hình thức lề luật.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, bước vào đời con phải chấp nhận luật chơi của cuộc sống. Xin cho con luôn ý thức luật lệ chỉ là phương thức để con sống hoàn thiện và là cầu nối để con đến với Thiên Chúa và tha nhân.
Amen.
Lượt xem:

Free Web Site Counter

Người đang theo dõi blog này

Powered By Blogger