Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

LẶNG THẦM (Hoa Xương Rồng)

Có những mảnh đời bất hạnh không bao giờ tìm thấy được hạnh phúc. Có những số phận lặng thầm sống lắt lẻo qua ngày không ai sẻ chia. Đó là hình ảnh của một bà cụ mà tôi gặp ở bệnh viện. Bà tên Mai, đã 70 tuổi- cái tuổi đáng lẽ được con cháu chăm sóc thì bà chỉ lủi thủi một mình. Đây là lần thứ hai tôi gặp bà. Vẫn thân hình gầy rộc, chỉ toàn là da bọc xương. Mái tóc bạc phơ, da đã nhăn nheo và đầy chấm đồi mồi thể hiện sự tàn phá ghê gớm của thời gian đối với một kiếp người.
Bà bị bệnh viêm phế quản mãn đã lâu lắm rồi. Lần nào khám bệnh bà cũng gọi xe ôm chở tới, rồi đựoc mấy cô y tá đẩy bà trên chiếc xe lăn để tới bác sĩ. Nhìn bà, tôi thấy động lòng quá đỗi.Tôi nhanh tay tình nguyện đẩy xe đưa bà đi khám, rồi ra quầy mua thuốc giùm bà.
Trong thời gian ngắn ngủi đó, tôi hỏi thăm hoàn cảnh của bà. Khi nghe tôi hỏi thăm, bà đã kể không dứt lời. bà kể như chưa từng được kể, như chưa từng đựơc ai hỏi han, như chưa từng được sự sẻ chia và lắng nghe của ngưòi khác. Hoàn cảnh của bà hết sức đáng thương. Hiện tại bà sống một mình không ai chăm sóc, chẳng chồng, chẳng con, chẳng cháu, chẳng anh em , chị em gì hết. Cha mẹ mất sớm, anh chị hi sinh ngoài chiến trường từ xưa. Thưở còn trẻ bà còn đi làm, thân gái một mình tự nuôi sống lấy mình. Nay bà đã già yếu, đâu còn làm nổi việc gì. Bà kể:"May mà tôi có chút ít dành dụm, cộng thêm tiền bán được cái nhà cha mẹ để lại, rồi lấy tiền đó xoay sở sống qua ngày". Rồi tôi hỏi thêm về việc sinh hoạt hàng ngày của bà .Tôi được biết bà có nhờ một cô hàng xóm. Cô đó giặt giũ, nấu ăn giùm bà, xong rồi cô đó cũng về nhà chớ đâu ở lại với bà. Bà còn tâm sự:"Cô biết không, có mấy lần nhập viện, hết bệnh rồi mà tôi còn muốn ở lại. Ở bệnh viện còn có ngưòi nói chuyện, còn có mấy cô y tá chăm sóc.Chớ về nhà một mình tôi buồn lắm. Nhưng đâu thể ở mãi đựơc, tui đành về nhà rồi lại tiếp tục sống số kiếp đơn độc." Nghe bà kể đến đây, lòng tôi cảm thấy chua xót. Và tôi càng nhói đau hơn khi bất giác bà nhìn tôi, ánh mắt rưng rưng rồi hỏi:"Cô ơi, cô hỏi bác sĩ giùm tôi khi nào tôi chết vậy cô,chớ tôi sống kiểu này..."Nước mắt tôi chực trào nhưng tôi quay đi cố không để bà thấy. Tôi nghẹn ngàochẳng biết nói gì để an ủi số kiếp hẩm hiu của bà. Tôi chỉ còn biết nói:" Bà nói bậy không à, bà phải sống chớ bà."
Rồi tôi vẫy tay gọi một chiếc xe ôm, dìu bà lên rồi tôi chào bà. Bà quay lại cưòi móm mém:" Tôi cảm ơn cô nha"
Chiếc xe chạy xa dần, bóng bà đã khuất. Nhưng sao lòng tôi vẫn thấy xót xa.Tôi tự hỏi rằng:" Chúa ơi, còn có bao nhiêu ngưòi phải sống trong hoàn cảnh này?"
Và bây giờ, tôi mong những ai đã đọc bài tâm sự này của tôi, xin hãy cùng tôi góp lời cầu nguyện cho bà sẽ tìm thấy niềm hi vọng sống trong những giây phút cuối đời. Tôi cũng tin rằng Chúa là Đấng giàu lòng thưong xót, đã đoái thương đến thân phận của bà và những người có hoàn cảnh tưong tự ,qua lời cầu nguyện của tôi và các bạn hôm nay.
_Hoa xương rồng_

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Cô đơn (dấu chấm hỏi)

Cô đơn là cho đi mà không có ai nhận, muốn nhận mà chẳng ai cho. Cô đơn là chờ đợi cái mình đợi chờ mà chẳng đến bao giờ. Cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt, không phải cách biệt của không gian hay thời gian mà là cách biệt của cõi lòng.
Tôi cô đơn khi cuộc sống chung quanh tôi bị bao bọc bởi quá nhiều danh lợi, đầy rẫy toan tính thiệt hơn. Tôi cô đơn khi tôi không thể chia sẻ với những người gần gũi quanh mình những điều tôi muốn nói.
Chúa GiêSu cũng đã cô đơn trên thập giá nhưng không một ai sẻ chia với Người. Nỗi cô đơn của Người là nỗi cô đõn khi Người đến với nhân loại nhưng lại bị nhân loại chối từ. Người gọi nhưng không một tiếng đáp trả. Do đó, Người mói thấy cõi lòng mình tan nát. Người chỉ còn biết cầu nguyện với Cha của Người.
Còn tôi, giờ đây, một mình đối diện với bốn bức tường vô tri, tôi thấy lòng mình cô đơn nên tôi cũng cầu nguyện với Người.
Không có cô đơn nào mà đựơc đáp trả. Không đựơc đáp trả nên người ta mới phải cô đơn, mới phải đợi chờ. Người cô đõn là người thường hay đi tìm sự cảm thông nhưng không bao giờ gặp. Và chính vì không gặp nên người ta phải chấp nhận quay về sống với thế giới của chính mình- một thế giới trống vắng và bình lặng một cách đáng sợ. Có như thế, người ta mới cảm thấy thiếu thốn. Chính vì sống trong sự thiếu thốn, người ta mới có nứơc mắt và xót thương cho chính mình.
Cuộc sống này ai cũng có lúc sẽ phải cô đơn. Vì chẳng có ai là thực sự đầy đủ. Ai cũng có lúc thiếu vắng và phải kiếm tìm.
Chỉ có những ai cô đơn mới hiểu đựơc, mới thấy đựơc cái hoang dại của người cô đơn. Chúa Giê Su đã từng cô đơn nên Người mới thấu hiểu cõi lòng cô đơn của nhân loại. Và để cho nhân loại có được một chỗ nương tựa vững vàng khi cô đơn, thiếu thốn thì chính Người đã chấp nhận hi sinh chịu đựng nỗi cô đơn cùng cực nhất trên thập giá.
Nếu cuộc đời tôi mất Chúa thì đó sẽ là nỗi cô đơn khủng khiếp nhất, tâm hồn tôi sẽ thiếu vắng hoang tàn.
" Lạy Chúa, con tin lúc này Chúa là người hiểu lòng con nhất. Vì lời cầu nguyện của con là lời cầu nguyện của một ngừơi cô đơn."
Dấu chấm hỏi

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Truyện Cười: Phép Mầu Chúa Ban!!!

Vào một ngày Chúa nhật đẹp trời, vị mục sư nọ quyết định vào rừng đi săn.
Qua khúc quanh nguy hiểm, ông va phải một con gấu lớn và ngã lăn xuống triền núi. Khẩu súng văng xa còn ông bị trẹo cả hai chân.Con gấu hung tợn xồng xộc lao tới trong khi vị mục sư không thể chạy trốn.
"Lạy Chúa! - Ông cầu nguyện - Xin Người hãy tha lỗi cho con đã bỏ buổi lễ Chúa nhật để đi săn. Giờ đây con chỉ xin Người một ân huệ duy nhất là hãy biến con gấu này thành một con gấu Kitô giáo. Chúa ơi ! Con xin Người !..."
Và phép mầu đã xảy ra. Ngay lập tức, con gấu quỳ gối bên cạnh vị mục sư. Thấy thế, ông ta mừng thầm và nghĩ rằng lời cầu xin của mình đã được nhậm lời.
Bỗng ông ta tái mặt khi thấy con gấu vừa đưa đôi bàn chân trước đầy móng vuốt làm dấu và cầu nguyện : "Tạ ơn Chúa ! Xin cảm ơn Người đã ban cho con bữa ăn ngon lành này !...".
_Nhóc Út_

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Tất cả là hồng ân (Small Angle)

'' họ hết rượu rồi ". Đây là câu nói của Đức Maria trong tiệc cưới Cana, cũng là bài giảng của Đức giám mục giáo phận phan thiết đã giảng trong thánh lễ tại tà pao ngày 13/11.
Trong bài giảng ấy tôi cảm nhận được nước đã hóa thành rượu ngon trong đời tôi tự bao giờ, những điều mà tôi hằng mong ước giờ đây đã trở thành hiện thực, những điều mà tôi đã cầu nguyện với Chúa từ lâu rồi và tôi đã quên đi không tạ ơn Chúa. Chúa đã ban cho tôi tự bao giờ.
Trong sứ mạng là một người huynh trưởng. Đã có lúc tôi từ bỏ sứ mạng cao cả ấy khi người chỉ huy chúng tôi không thể nào hòa đồng chung được. Tôi đã bỏ đi một năm phục vụ. Không hiểu sao trong thời gian đó tôi lại cố chấp như vậy, người lãnh đạo đoàn nói gì tôi cũng không nghe.
Nhưng từ khi gặp khó khăn nhất trong cuộc đời, xảy ra một tai nan giao thông tôi bị gãy một chân, lúc đó mọi người đều nói rằng tôi sẽ bị tật suốt đời . Có lẽ thời gian đó là khoản thời gian mà tôi cảm thấy buồn nhất. Chính lúc đó tôi đã tin tưởng vào Chúa măc dù chân còn rất đau nhưng tôi đã cố gắng đến nhà thờ trong sự tủi hổ. Chui rút trong góc nhà thờ, cầu nguyện thầm lặng. Và Chúa đã nhậm lời tôi. Ngài đã ban cho tôi đôi chân mới. Tuy chân mới không đẹp như trước có một vết sẹo dài nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng Chúa đã cho tôi một đôi chân mới để tôi được phục vụ. Ngài đã để dành cho tôi một chỗ trong trái tim Ngài.
Và trong sứ mạng huynh trưởng Chúa đã ban cho chúng tôi một người lãnh đạo mới. Người mà huynh trưởng chúng tôi rất yêu mến. Chúng đặt biệt danh cho ngài là Cậu Út, kiêm luôn ca sĩ Lý Hải. Cha đã đưa đoàn huynh trưởng, thiếu nhi chúng tôi đi lên. Hôm nay chúng tôi biết rằng cha phải vâng lời bề trên đi giáo xứ khác phục vụ, tôi nghĩ rằng trong lòng mỗi người huynh trưởng chúng tôi ai cũng có một nỗi buồn và sự nuối tiếc. Cha đã gắng bó với chúng tôi 3 năm, rất nhiều kỉ niệm vui buồn. Khi tiếp xúc với cha, chúng tôi có một cảm giác như đang nói chuyện với một người bạn thân. Có lẽ cha đã sống giống như mỗi người huynh trưởng chúng tôi. Một sự gần gũi lạ kì giống như một người thân trong gia đình. Chúa đã dùng cha để giúp chúng tôi nhận ra được nhiệm vụ của mình. Có nhiều lúc cha đã để cho chúng tôi tự sinh hoạt một mình để có thể tự đứng vững khi cha không còn phuc vụ, dù biết rằng cha là niềm vui tinh thần của chúng tôi. Cha đã sắp xa chúng tôi rồi, chúng tôi cũng không thể nào giữ cha ở lại, dù còn nhiều người huynh trưởng khác cần cha. Chúng tôi chỉ biết chúc cha luôn trung thành trên bước đường của Chúa và được tràn đầy sức khoẻ và hồng ân của Chúa .
Và nữa, trong cuộc sống gia đình tôi, Chúa đã biến đổi người ba thương yêu của tôi thành một người mới. Lúc trước ba tôi thường hay uống rượu phá phách trong gia đình. Nhưng từ khi gia đình tôi thất bại trong làm ăn thì ba tôi đã hoàn toàn biến đổi, ba không còn nóng nảy như lúc trước nữa, không còn uống rượu nữa. Đây là điều mà khi tôi còn rất nhỏ đã cầu nguyện rất nhiều, nhưng khi lúc gia đình tôi gặp khó khăn nhất thì lời cầu nguyện xa xưa ấy đã thành hiện thực. Bây giờ tuy không còn như lúc trước nữa, nhưng tôi cũng cảm nhận được sự hạnh phúc mà Chúa ban ban cho tôi và gia đình tôi một sự an ủi lớn lao .
Tất cả là hồng ân của Chúa. Cảm tạ Chúa đã giúp con nhận ra được điều này: nước lã trong cuộc sống con đã hóa thành rượu ngon từ bao giờ.
Xin Chúa tiếp tục gìn giữ và dẫn dắt con đi trên bước dường của Chúa.
Small Angle

Bài Cáo: Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Xin kính mừng 117 vị Thánh và bao anh hùng tử đạo Việt Nam
Niềm tin ngời sáng, soi lòng mến can trường .

Các ngài thuộc mọi thành phần trong Hội Thánh :
Giám mục, linh mục, tu sĩ, thầy giảng, giáo dân
Mọi chi thể đều chịu đau cùng "nhiệm thể " Giêsu yêu dấu,
Thân mang thương tích đau thương, chết đi và sống lại khải hoàn.

Các ngài thuộc mọi thành phần trong xã hội :
Quan quyền, binh lính, thương gia, y sĩ, nông dân…
Cùng sánh vai ra pháp trường, không phân sang hèn, cao thấp.
Niềm tin trong máu đào chứng minh tình huynh đệ bình đẳng
Nơi nhân gian và trên chốn thiên đình .

Các ngài thuộc những thế hệ khác nhau, trình độ cũng khác :
thiếu niên, người trưởng thành, bậc cao niên
người biết chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ, chữ Tây
người lại chẳng biết gì
Nhưng đều biết chung một điều :
"Trong mọi sự, cho mọi người, Đức Kitô là tất cả "
Yêu mến người, các ngài dũng cảm, hăng hái,bước chân đi.

Danh lợi không đổi lòng, quyền uy không khuất phục
Khó khăn không nản chí, đau khổ chẳng lui chân.Trong Đức Kitô, các ngài cho Thần Chết nếm mùi chiến bại." Như hạt lúa mì gieo xuống đất…"
Triều thiên sự sống lưu danh thiên thu
Hào quang vinh thắng
chiếu sáng trên đất Việt muôn thuở muôn đời.

Thắp nén hương lòng vui tưởng niệm
Tiền nhân anh dũng, tiến lưu truyền
Xin mãi hộ phù dân nước Việt
Một lòng mến Chúa, sống trung kiên.

Truyện thánh tử đạo Việt Nam

TẤM LÒNG NGƯỜI TU SĨ ÁO TRẮNG
"Ai ơi giữ lấy túi khôn,
Đầy tràn tin cậy đầy lòng mến yêu.
Gươm đao đe dọa dẫu nhiều,
Qủy ma cám dỗ sớm chiều lẻ loi,
Ai mà thắng nổi trên đời,
Mai sau hưởng phúc cõi trời cao sang."
Đó là những vần thơ lục bát do thánh Đa Minh Xuyên sáng tác trong tù, vừa diễn tả tâm tình của mình, vừa khuyên nhủ các tín hữu đến thăm. Những vần thơ ngắn gọn, nhưng cô đọng trọn vẹn triết lý sống của vị tử đạo, lòng tràn đầy tin yêu, vượt qua mọi gian khổ để chiếm đoạt vinh quang nước trời.
Đa-Minh Nguyễn Văn Xuyên có tên thật là Doãn, sinh năm 1786 tại làng Hương Hiệp, tỉnh Thái Bình. Thấy có trí thông minh, cha mẹ cho cậu học chữ nho, rồi gửi gấm cậu cho đức cha Đengađô Y dạy bảo. Được Đức cha nhắc nhở, cậu Xuyên chăm chỉ học hành, nhất là học bài giáo lý. Lớn lên, ngài cho Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên vào Đại chủng viện và trao ban chức linh mục năm 1819. Ngày 20/4 năm sau, cha Xuyên tuyên khấn trọn đời trong dòng thánh Đa Minh.Từ đó, cha rất nhiệt tình phục vụ giáo hữu, không ngừng đi nhiều nơi giảng, tĩnh tâm, dạy giáo lý, sốt sáng cử hành phục vụ bí tích.Trước tiên, cha Xuyên coi xứ Phạm Pháo, tỉnh Nam Định, rồi về xứ Kẻ Mèn, Thái Bình trong ba năm. Tại đây, ngài lập họ đạo mới, họ Thanh Minh, chọn Thánh Vinh Sơn làm bổn mạng. Sau cha phụ trách xứ Đông Xuyên 13 năm. Thời gian này, nơi đây là bản địa khởi nghĩa của Phan Bá Vành, lại bị hạn hán kéo dài nên dân đói nghèo khổ sở. Có lần cha dốc cạn túi để giúp đỡ họ, có lần cha nhường phần cơm của mình... Bao giờ cha cũng để một ngân khoản riêng làm việc bác ái, từ thiện.
Cuối năm 1836, cha được bổ nhiệm làm cha phụ tá cha Phécnăngđơ Hiền tại chủng viện Ninh Cường giữa lúc cuộc bách hại của vua Minh Mạng gay gắt. Năm cha về quản lý Đông Đàng ngoài, giúp Đức cha Đengađô Y, khi Đức cha phải lưu lạc về Kiên Lao rồi bị bắt thì cha Xuyên vừa tìm chỗ ẩn trốn, vừa giúp xứ Hạ Linh. Tuy phải lang thang nay nhà này mai nhà khác, cha cũng phục vụ tín hữu ở đây được khoảng một năm.
Ngày 18/8, cha đến cử hành Thánh Lễ mừng thánh Gioan Kim, một giáo viên trước có dạy ở Bùi Chu biết tin liền đi báo quan kiếm chút tiền thưởng.Cha Xuyên dâng lễ gần xong, nghe tiếng loa gọi của quân lính, cha vội rước hết Mình Thánh, rồi cởi áo lễ ra trốn. Nhưng không kịp nữa, quân lính đã tóm bắt cha và dẫn đến quan phủ.
Quan phủ cười nói: "Đưa đây một số bạc, ta tha cho về!".
Cha trả lời: "Tôi chẳng có đồng nào trong người, nếu quan thương cảm tôi cảm ơn, nếu quan bắt tôi xin chịu".
Về sau giáo hữu Hạ Linh góp tiền đến chuộc, nhưng quan phủ không dám tha nữa vì trên tỉnh đã biết.
Khi nghe thuật lại chuyện, cha Xuyên an ủi họ: "Anh em hãy để tiền lo cho giáo xứ mình thì hơn, đừng tốn tiền chuộc làm chi cho vô ích. Ý chúa đã muốn, chẳng ai làm khác được. Anh em cứ bình an về nhà, nhớ cầu nguyện cho tôi chịu khó cho nên". Thế rồi cha mang gông nặng về Nam Định.Biết cha quản lý Tòa giám mục, Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh không những bắt cha bỏ đạo mà còn muốm khai thác các tài sản giáo phận. Lần đầu tiên khi ra lệnh đánh đòn, Tổng Đốc đứng ngay bên thúc giục:
- Đánh mạnh hơn cho đến khi nó chịu khai và xuất giáoNgười chiến sĩ đức tin chỉ biết kêu tên Đấng Cực Trọng: "Giê Su , Maria xin cứu con!" cho đến khi bất tỉnh phải khiêng vào ngục.Những lần ngài cắn răng chịu đựng không kêu một tiếng, cũng chẳng tiết lộ điều gì về giáo phận. Quan Tổng Đốc cho dùng cực hình dã man, rùng rợn hơn nhiều nhưng cha can đảm gắng sức nói thẳng với quan rằng:
"Dù sống hay chết, tôi cũng không bỏ đạo. Tôi chọn cái chết để sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu mà muôn đời bị tiêu diệt''.
Nhiều lần quá đau đớn bị ngất xỉu giữa cuộc tra tấn. Sợ quản lý giáo phận chết sớm, không khai thác được gì, quan Tổng đốc sai lính đưa về ngục, cho mời lang y đến chữa trị để mong biết được nhiều tài sản mà ông tưởng là vô số. Đến khi cha Xuyên bình phục, quan lại đưa ra tra khảo nữa, nhưng ông phải thất vọng vì thực chất giáo phận chẳng có gì mà khai; mặt khác, chẳng bao giờ cha khuất phục, bỏ đạo.
Ngày 25/10, quan Tổng đốc lập án trảm quyết gửi về kinh đô. Tháng sau bản án của cha Xuyên và cha Dụ trở lại Nam Định. Những ngày cuối, hai cha bị giam chung một phòng, tay bắt mặt mừng, xưng tội với nhau, an ủi khích lệ nhau vững chí cho đến cùng.
Ngày 26/11/1839, hai cha bị dẫn đi xử. Giữa đám lính đông đảo võ trang, voi ngựa, hai vị chứng nhân Đức Kitô đi bộ mang gông, nhưng bình an vui vẻ, dân chúng đi xem đều bỡ ngỡ và thán phục. Đến pháp trường, quan hỏi lại có xuất giáo không, hai vị trả lời ''Không!'', rồi đưa tay cho lính trói vào cọc đã chôn sẵn.Hai nhát gươm cùng vung lên, hai tôi tớ chúa được lãnh Triều thiên Tử Đạo, tiến thẳng về nước Trời. Cha Xuyên với 53 tuổi đời, phục vụ trong Chúa chức vụ linh mục được 20 năm. Thi thể ngài được an táng ngay tại đó. Tháng giêng năm 1841, tín hữu cải táng hai hài cốt ngài về Lục Thủy.
_Trích truyện các thánh tử đạo Việt Nam_

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2009

Chương Trình: TUẦN CỬU NHẬT NĂM THÁNH 2010 GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
TUẦN CỬU NHẬT

cầu nguyện
trước ngày khai mạc Năm Thánh 2010
của Giáo Hội tại Việt Nam
Thời gian chuẩn bị Năm Thánh: từ 15/11 – 23/11/2009
***
HƯỚNG DẪN CÁCH TỔ CHỨC TUẦN CỬU NHẬT
tại giáo xứ và giờ Kinh tối tại các gia đình
Tuần Cửu Nhật, từ ngày 15 đến ngày 23 tháng Mười Một năm 2009, nhằm giúp các tín hữu Công giáo Việt Nam (trong nước cũng như ngoài nước) vừa ý thức thời điểm đặc biệt trong lịch sử đón nhận đức tin và sống đức tin của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, vừa chuẩn bị tâm hồn và đời sống mình trong Năm Hồng Ân này với bầu khí cầu nguyện và hân hoan.
Trong những ngày này, Cẩm nang hướng dẫn Tuần Cửu Nhật mong muốn đề nghị một mẫu cầu nguyện chung (thời lượng chừng 7-8 phút) để các giáo xứ, các cộng đoàn và các gia đình cùng nhau hiệp nhất trong lời cầu nguyện và suy niệm về Năm Thánh 2010:
- Hiểu biết ý nghĩa Năm Thánh 2010.
- Nhìn lại lịch sử để tạ ơn Chúa;
- Tri ân các tiền nhân, ân nhân và chứng nhân;
- Nhìn nhận những thiếu sót trong đời sống cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội;
- Canh tân đời sống và noi gương các chứng nhân Tin Mừng, đề ra những việc cần làm để sống đức tin và chia sẻ đức tin.
Mỗi ngày, tại giáo xứ hay trong giờ Kinh Tối ở mỗi gia đình, mọi người cùng nhau cầu nguyện theo thứ tự: đọc Lời Chúa, suy niệm (nhìn về quá khứ, nhận định hiện tại và hướng đến tương lai), đọc Kinh Năm Thánh và lời nguyện kết thúc.
Về các bài hát: có thể sử dụng các bài ca chính thức của Năm Thánh (có in kèm trong tập cầu nguyện này), hoặc bài ca thích hợp mà cộng đoàn giáo xứ hay gia đình quen thuộc, nhưng nên chọn những bài ngắn gọn để mọi người có thể tham gia một cách tích cực, hiệu quả.
Nhóm Biên soạn
***
CHƯƠNG TRÌNH CHUNG CHO MỖI NGÀY
A. TRONG THÁNH LỄ:
I. Dẫn ý vào Thánh lễ:
Linh mục chủ sự thánh lễ hướng ý cầu nguyện cho Ngày Khai Mạc Năm Thánh và cho Năm Thánh 2010 (theo ý cầu nguyện mỗi ngày, nếu trước đó không có giờ cầu nguyện chuẩn bị).
II. Bài hát kết lễ: Bài ca chính thức của Năm Thánh hoặc một bài thánh ca khác phù hợp.
B. CẦU NGUYỆN CHUNG:
I. TRƯỚC LỄ SÁNG hoặc TRƯỚC LỄ CHIỀU tại Nhà Thờ:
1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa: Tác viên Lời Chúa.
(Thinh lặng giây lát để nhớ lại lời Chúa.)
3. Suy niệm: Người hướng dẫn.
4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
* Sau đó là thánh lễ.
* Kinh Năm Thánh có thể đọc sau khi hát bài ca Hiệp Lễ.
II. GIỜ KINH TỐI tại GIA ĐÌNH:

Dùng lại nội dung trong mẫu cầu nguyện đã làm ở nhà thờ giáo xứ, và có thể thêm các kinh đọc hoặc bài hát tùy theo thời lượng mỗi gia đình có thể thực hiện được. Chẳng hạn: Trước khi xướng Ý cầu nguyện thì có thể hát Kinh Chúa Thánh Thần; sau khi suy niệm, đọc Kinh Năm Thánh; và sau Lời nguyện kết thúc, hát một bài quen thuộc hoặc đọc Kinh Trông Cậy.


NGÀY THỨ NHẤT
(15-11-2009)
Ý cầu nguyện:

Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam ý thức
và sốt sắng chuẩn bị tâm hồn và đời sống
để sống Năm Thánh như ý Chúa muốn
1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.
Kính thưa cộng đoàn,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu tuần cửu nhật cầu nguyện cho Giáo hội tại Việt Nam trước khi khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Chúng ta cầu nguyện trong tâm tình khai mạc Năm Thánh, sống Năm Thánh và kéo dài tinh thần Năm Thánh trong tương lai. Với ý hướng đó, chúng ta được mời gọi dâng kinh nguyện, hy sinh, bác ái để cầu cho Hồng Ân Năm Thánh được đong đầy và triển nở trong tâm hồn và đời sống của mỗi người chúng ta.
2. Lời Chúa (4, 18-19): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
3. Suy niệm: Người hướng dẫn:
Năm Thánh 2010 là thời gian đặc biệt, vì đây là thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam; là thời gian hồng ân, thời gian hát vang điệp khúc “Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136).”
Chúng ta lại khai mạc Năm Thánh vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như mời gọi chúng ta tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin đã lãnh nhận, tri ân các bậc tiền nhân, các ân nhân và chứng nhân đã gieo vãi và vun trồng hạt giống đức tin trên quê hương đất nước này, đồng thời ý thức giá trị cao quý của hồng ân đức tin để sống và làm chứng cho Tin Mừng, tích cực xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trong môi trường Chúa sai chúng ta đến. (x. HĐGMVN, Thư Công Bố Năm Thánh 2010).
4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện,
Lạy Cha là Chúa cả trời đất, vì lòng từ ái xót thương, Cha đã tạo thành và cứu độ muôn loài. Cha đã sai Con Một xuống thế làm người, chia sẻ thân phận yếu hèn của chúng con,
xả thân loan báo Tin Mừng cứu độ và phục vụ sự sống con người. Người đã chịu khổ hình, chịu chết và sống lại để những ai tin nhận Người, đều được quy tụ trong Nước Cha là Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình. Cha đã sai Thánh Thần xuống liên kết các tín hữu thành cộng đồng nhân loại mới nên muối men và ánh sáng giữa lòng thế giới hôm nay. Xin Cha cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen. (trích Kinh Năm Thánh)
Sau đó bắt đầu Thánh lễ với Bài Ca Nhập Lễ.
Lưu ý: (Nếu thực hiện tuần Cửu Nhật ở gia đình, sau lời nguyện kết thúc thì hát 1 bài thích hợp và đọc kinh Cám ơn, Trông cậy, v.v…)

NGÀY THỨ HAI
(16-11-2009)
Ý cầu nguyện:

Năm Thánh: Năm Hồng Ân
Trong tâm tình tri ân các vị thừa sai,
chúng ta cùng tạ ơn Chúa
vì đã thương gửi các nhà truyền giáo đến Việt Nam
1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn
2. Lời Chúa (Rm 10, 14-15.18b): Tác viên Lời Chúa
Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
3. Suy niệm: Người hướng dẫn
“Cùng với Giáo Hội toàn cầu luôn cảm tạ Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ chan hòa khắp thế giới, Giáo Hội tại Việt Nam tạ ơn vì tin rằng sự hiện hữu của mình trên đất nước này đến từ ý định ngàn đời đầy yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Chính Đức Kitô chứ không ai khác đã sai các sứ giả của Ngài đến vùng đất thân yêu này để loan truyền Tin Mừng cứu độ.” (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- sứ vụ, số 1).
Các sứ giả của Đức Kitô chính là các vị Thừa sai từ các nước xa xôi, rời bỏ quê hương để đến với miền đất xa lạ là Việt Nam. Các Ngài đã gieo những bước chân loan báo Tin Mừng cho cha ông, tổ tiên chúng ta. Những giọt mồ hôi lao nhọc của các ngài đã “nên như hạt giống trổ sinh các Kitô hữu.”
Nhớ đến công ơn của các ngài, chúng ta cùng cảm tạ Chúa vì lòng xót thương đã quan phòng cho có các vị thừa sai. Nhờ có các ngài loan báo mà chúng được nghe Tin Mừng; nhờ được nghe Tin Mừng mà chúng ta mới được lãnh nhận hồng ân đức tin; và nhờ hồng ân đức tin mà chúng ta được gọi là con Chúa.
4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa
Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha đã thương gửi các nhà truyền giáo đến gieo hạt giống Tin Mừng và chăm sóc cho hạt giống ấy phát triển xanh tươi trên đất nước Việt Nam của chúng con. Xin Cha ban cho chúng con ơn thảo hiếu để luôn biết “ăn quả nhớ người trồng cây” hầu sống xứng đáng ơn gọi làm kitô hữu. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
NGÀY THỨ BA
(17-11-2009)
Ý cầu nguyện:
Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Chiêm ngắm các thánh Tử đạo Việt Nam,
những bậc tiền nhân
đã trở nên chứng nhân đức tin anh dũng
của Giáo hội

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa (Gioan 12, 24-25): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan
Khi ấy Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, thì nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.
3. Suy niệm: Người hướng dẫn
“Từ năm 1533, hạt giống đức tin đã được gieo trồng trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Và khi đã nẩy mầm trên mảnh đất tâm hồn tự do của đoàn tín hữu, hạt giống cứ âm thầm mọc lên, bất kể ngày đêm, và cả trong gió mưa giông bão (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 1).
Gần 5 thế kỷ qua, hạt giống Tin Mừng đã mọc lên, đã đơm bông kết trái từ Bắc chí Nam của quê hương Việt Nam chúng ta. Hơn một trăm ngàn (100.000) anh hùng tử đạo; trong số đó đã có 117 Vị tử đạo được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị tuyên phong hiển thánh vào ngày 19-6-1988 tại Rôma, và một chân phước là thánh Anrê Phú Yên. Trong số 117 vị, có tám vị sinh trưởng trong giáo phận nhà:
1- Thương gia Mátthêu Lê Văn Gẫm
2- Linh mục Philipphê Phan Văn Minh
3- Ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu
4- Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc
5- Ông Phaolô Trần Văn Hạnh
6- Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý
7- Ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng, và
8- Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu.
Chúa yêu thương dân tộc Việt Nam đến cùng; Chúa ban ơn đức tin cho nhiều người Việt Nam qua lời loan báo Tin Mừng của những vị thừa sai; Chúa cho Giáo Hội Việt Nam vươn tới sự trưởng thành với hàng Giáo Phẩm được thành lập năm 1960. Đó là những lý do để chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa. (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 1 và “Tổng Giáo Phận Saigon qua dòng lịch sử”, do ĐHY GBt Phạm Minh Mẫn biên soạn, tr.8).
4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa
Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha đã thương ban cho chúng con nhiều chứng nhân đức tin anh dũng sẵn sàng chết để bảo vệ đức tin, và những bậc tiền nhân luôn hy sinh quảng đại, dày công vun tưới cho hạt giống Tin Mừng sinh hoa kết quả dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ các thánh Tử đạo Việt Nam chuyển cầu, xin Cha cho chúng con biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Truyện cười: Áp dụng kinh thánh

Ba ông thầy dòng đi thành phố về, dọc đường ghé vào một quán nhỏ ăn trưa. Quán hôm ấy chỉ có thịt luộc, cá kho và rau muống chấm mắm ớt.
Một thầy nổi hứng đề nghị :
- Hễ ai đọc được câu Kinh Thánh chỉ về món ăn nào, thì ăn món đó. Hễ ai không đọc được thì phải chờ người khác ăn xong mới được ăn.
Hai thầy kia nổi máu anh hùng, chịu liền.
Thầy thứ nhất thấy đĩa thịt liền đọc :
- “Mọi động vật sẽ là thức ăn của ngươi”. Đọc xong, thầy kéo đĩa thịt về phía mình.
Thầy thứ hai thấy đĩa cá vội tiếp luôn:
- “Cầm năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho …” Thầy vừa đọc vừa kéo đĩa cá kho về phía mình, đắc thắng.
Đĩa rau muống còn đó. Ai nấy đều nặn óc cố nghĩ ra câu Kinh Thánh nào nói đến rau muống.
Bỗng thầy thứ ba mỉm cười, một tay cầm chén nước mắm, một tay bốc rau luộc chấm vào mắm, vừa đọc vừa vẩy vào hai thầy kia :
- “Lạy chúa, xin dùng cành hương thảo rảy nước trên tôi, thì tôi được sạch !”
Hai thầy bị vẩy nước mắm la toáng lên, và vội vàng đi lau rửa. Thầy thứ ba còn lại, ung dung… xơi hết.
-lụm lặt-

truyện cười: máy nói dối

MÁY NÓI DỐI
Thấy con trai đi học về muộn, ông bố muốn hỏi nhưng sợ con nói dối, bèn mang máy phát hiện nói dối ra sử dụng. Đứa con vừa trả lời xong, bị máy phát hiện nói dối đấm cho 1 cái.
Ông bố liền lên giọng: "Hồi bằng tuổi con, bố không làm ông bà nội phải buồn lòng bao giờ", vừa nói xong ông bố bị cái máy đá một phát văng ra ngoài cửa.
Thấy vậy, cô vợ liền lanh chanh: "Đáng đời anh, vì anh mà con phải ra nông nỗi thế này, ít ra thì nó cũng là con của anh chứ?". Vừa nói xong, cô vợ bị cái máy đá văng ra ngoài đường.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Chia sẻ yêu thương (Ti Gôn)

Trong cuộc sống người ta thường nghĩ, yêu thương là một thứ gì đó có một sức hút mãnh liệt. Nếu phân tích ra hai chữ riêng từng phần, thì thật sự yêu và thương sẻ làm người ta suy nghĩ khác.
Chẳng hạn yêu là tình yêu giữa nam và nữ, hay thương là thương một người nào đó mà dấu kín trong lòng không dám nói ra. Nhưng không, yêu thương mà tôi đang nói đến đây là tình yêu Bạn Hữu, tình yêu không vụ lợi, tình yêu không ích kỉ cho riêng mình mà là tình yêu sẻ chia: khi hoạn nạn, khi đau ốm và khi không còn có ai bên mình thì chính thứ mà tôi gọi là yêu thương, sẽ đến. Yêu thương chôn vùi những thứ gọi là đau khổ, yêu thương làm dập tắt sự tự ti khi mình cảm thấy mình nhỏ bé.
Khi biết chia sẻ thì nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa và niềm vui sẽ được nhân đôi, thế tại sao lại không chia sẻ. Có đôi lúc yêu thương chỉ là những việc tầm thường nhỏ bé nhất, ví dụ như cho người đang đói một củ khoai lang, hay dỗ một em bé đang khóc vì không tìm được Mẹ và lúc đó yêu thương thật sự rát đơn giản. Nhưng không, nó cũng rất khó đấy, Thiên Chúa đã dạy “ Các Con Hãy Yêu Thương Nhau “ nhưng không phải chỉ yêu người yêu mình mà yêu luôn cả người mình ghét. Yêu người mình ghét sao, ôi thật sự rất khó. Tôi đã từng nghĩ, khi ghét ai đó thì không thèm nhìn mặt, thậm chí gặp là muốn đanh rồi, chứ đừng có nói là yêu thương. Nhưng tình yêu Thiên Chúa đang mời gọi, biết đâu một lúc nào đó người mình ghét cần đến mình, biết đâu trong gia đình của họ có người nào đó được Thiên Chúa gọi ra khỏi cuọc đời này, và những lúc ấy, người mình ghét sẽ cần đến lời cầu nguyện của mình, lời cầu nguyện chỉ đơn sơ thôi.
Chỉ là “ Lạy Chúa người con ghét đang đau khổ, nhưng con lại không cảm thấy vui mà lại cảm thấy buồn làm sao, ôi Lạy Chúa là đấng từ bi nhân ái Ngài không chấp nhất mà chỉ có xót thương, xin thương lấy người mà con ghét “. Chỉ thế thôi bao nhiêu đó là đã chia sẻ một chút yêu thương dành cho người mình ghét.
Trong cuộc sống chỉ có những người biết tha thứ thật sự thì mới luôn mỉm cười. yêu thương mà tất cả mọi người dành cho nhau, không chỉ là tình yêu giữa nam và nữ, hãy đẻ tình yêu đó được thăng hoa, tình yêu ấy sẻ làm mọi người cảm thấy mình đang yêu và được yêu, tình yêu đó dành cho: Cha Mẹ, Anh Em, Bạn Bè…vv tình yêu không tình toán, hơn thua, hãy chỉ nghĩ cho nhau, cùng nhau bước đi, đó mới là tình yêu thật sự thăng hoa. Như trong cuộc sống có biết bao nhiêu người đang cần được yêu thương. Từng ngày từng giờ có những em bé chưa được nhìn thấy ánh Mặt Trời thì đã rời khỏi cuộc đời, do lòng ích kỉ, thù hận, ghen ghét. Hàng ngàn người bị nhiễm chất độc dioxin (da cam), đang cần được chia sẻ để họ có thể cố gắng vươn lên trong cuộc sống và sống như một người bình thường. Hiện tại trên phố biết bao nhiêu trẻ em không được sống đầy đủ, phải lang thang đi bán từng cái bánh, từng tấm vé số, có những lúc trời nắng gắt đén cháy da và mưa tầm tã làm các em ướt như chuột lột, nhưng các em cũng phải đi bán vì cuộc sống mưu sinh, …vv như thế đấy, cuộc sống này còn rất nhiều người đau khổ không sao kể hết được. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh nào đó thôi, chứ trong thực tế thì còn hơn thế nữa. Tôi thật sự, thật sự mong sao tình yêu thương đó, sẽ được chia sẻ cho mỗi người một chút, dù chỉ là một chút nhỏ nhoi.
Để yêu thương đó không chỉ là lời nói, mà yêu thương đó sẻ biến thành hành động và giống như một phép tiên nhiệm màu, đưa tất cả mọi người hoà nguyện vào với nhau như một nồi canh có đầy đủ hương vị, để từng muỗng canh khi đưa vào miệng thì lưỡi có thể cảm nhận được. Cho dù lúc đầu khi chưa hoà vao nhau thì nó có nhiều vị, chua, mặn, ngot, đắng, nhưng khi đã hoà nguyện vào nhau thì trở thành một nồi canh ngon, đậm đà hương vị. Cũng như khi tất cả mọi người cùng hiệp nhau cầu nguyện và chia sẻ tình cảm thiêng liêng với nhau, thì lúc đó tình người cũng đậm đà hương vị yêu thương.
Ti Gôn

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

Lối nhỏ (Pé Mập)

Mỗi con đường một lối đi, không có con đường nào mà ko có lối đi cả. con đường mà chúa Giêsu đã chọn là một con đường thật là vĩ đại, thật là cao cả, con đường chúa đi là một con đường đầy chông gai và thử thách, đó là con đường “ Thập Giá” chúa đã lấy thân xác của mình để cứu chuộc nhân loại của chúng ta. Ôi tình yêu của chúa đối với chúng ta thật là cao cả. Có đôi lúc nhìn về bản thân mình thì mình thật là yếu hèn một con người chứa đựng đầy rẫy những tự ti và mặc cảm. không dám nhìn nhận một vấn đề, không dám nhìn nhận số phận hiện tại của mình, những lúc đó mình thật là ích kỷ và hèn mọn, nhưng những lúc đó thì chúa luôn ở bên mình, đối với mình những lúc đó Chúa như là một người bạn thân một người bạn đặc biệt giúp mình giải tỏa được những chuyện rắc rối đó, giúp mình nhận ra rằng mình không đơn độc lẻ loi một mình. Chúa hằng bao bọc và chở che giúp mình vượt qua hết mọi chuyện. Cuộc sống có biết bao nhiêu niềm vui nhưng đối với mình niềm vui lớn nhất trong đời mình là được làm một người huynh trưởng , các bạn nghĩ làm một huynh trưởng dễ lắm đúng không, nhưng riêng mình thì khác, làm huynh trưởng thì dễ nhưng làm đúng một huynh trưởng để được các em yêu mến và quý trọng thì rất là khó.
Có đôi lúc bạn bè của mình hỏi: thiếu gì cái để làm mà tự nhiên chui vào làm huynh trưởng chi vậy, ở bên ngoài biết bao nhiêu cái để tham gia, biết bao nhiêu chuyện để làm còn vui hơn, mày làm huynh trưởng có được gì đâu, mà có được lợi ít gì.
Thì lúc đó mình nghĩ tụi nó nói cũng đúng chứ, tội gì phải vô huynh trưởng chứ, phục vụ không công mà còn bị "chửi" nữa chứ. Nhưng khi ngồi một mình suy nghĩ lại những lời nói của mình, thì trong lòng tự hỏi sao lại thốt ra những lời nói ấy, có biết làm như vậy Chúa rất buồn không? Chính những lúc đó hình như chúa đang ở bên mình vậy, giúp mình nhận ra những việc làm sai của mình, giúp mình nhận ra được sứ mạng người trưởng mà Chúa đã giao phó cho mình.
Huynh trưởng đối với mình là một sự đam mê, là được hy sinh được phục vụ được dâng hiến được truyền đạt những gì mình có cho các em thiếu nhi, nhưng mình nghĩ những nhân tố kia cũng quan trọng nhưng điều quan trọng đối với mình khi làm huynh trưởng là phải “yêu nghề” mình nghĩ có thích thì mới làm, có yêu thì mới làm hết sức đúng không các bạn.
Kể cho các bạn nghe, lúc mình chưa đi học thì mình thường coi các em ngành thiếu, lứa tuổi này thì từ 13- 15 tuổi, tuổi dậy thì các bạn cũng từng trải qua rồi thì ai cũng biết chứ nhĩ. Nam thì muốn chứng tỏ mình, còn Nữ thì thẹn thùng e dè, rụt rè nhìn vui lắm. Vì là tuồi mới lớn các em rất hiếu động năng nổ, nhưng xen lẫn sự năng nổ đó là cái tính bướng bĩnh người ta thường gọi là “ ngang như cua “ đó các bạn àh. Điển hình là các chiến binh như: Giuđa, cháy,thỏ,bún tôm... Chu Choa mấy tên này là khỏi nói quậy ve kêu luôn, nhưng mình nhớ trung thu năm 2008 là năm Thiếu Nhi tự mỗi lớp làm lồng đèn cho mình, thì lúc đó những chiến binh ngang như cua kia lại rất hăng say và rất nhiệt tình vào công việc. Lúc đó mình thật là cảm động trước sự hăng say của các em. Bây giờ khi xa các em thì mình lại nhớ những chiến binh ấy.
Mới đây mình được thăng cấp lên 2 sao, niềm vui được phục vụ càng dâng trào trong mình như một ngọn lữa đang cháy cuồng cuộn, xen lẫn niềm vui đó là nỗi buồn, mình buồn vì không được phục vụ, một lý do bất khả kháng đó là phải học xa, nhưng không sao tuy mình ở xa nhưng nhịp đập con tim của mình và sự nhiệt huyết của mình luôn hướng về các em thiếu nhi thân yêu. Mình nghĩ mình đã chọn đúng lối nhỏ cho riêng mình rồi đó các bạn.
Một con đường mỗi lối đi.
"XIN CHÚA CHÚC LÀNH CHO CÁC BẠN TÌM RA ĐÚNG LỐI ĐI CHO RIÊNG MÌMH”.
Pé Mập

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Mừng sinh nhật cha Giuse Hồ Sĩ Hữu


Hôm nay, ngày 1.1.2009, ngày Lễ Các Thánh, cũng là ngày sinh nhật cha Giuse Hồ Sĩ Hữu. anh chị em huynh trưởng chúng tôi đến chúc mừng cha. Một đại diện huynh trưởng chúc mừừng cha, sau đó cha cùng chùng tôi đốt pháo hoa đăng hát vang bài ca mừng sinh nhật. rồi cha thổi tắt nến, cắt bánh sinh nhật, cha con cùng chia nhau thật thân tình và ấp áp tình cha con.

Ơn gọi người trưởng (Thu Hương)


Ơn gọi là gì?
Ơn gọi là lời mời gọi của Thiên Chúa đối với mỗi người mà ta có thể nhận ra được từ trong lương tâm của chúng ta, mục đích là làm 1 việc gì đó cho Chúa. Có người có ơn gọi làm Linh Mục, có người có ơn gọi làm Sr và tôi có ơn gọi làm Huynh Trưởng
Huynh trưởng là gì?
HT không phải là 1 cái nghề (vì ta có thể từ bỏ được) đó là 1 “ sứ mệnh” .HT là người coi sóc các em thiếu nhi, là người tiếp tục sứ mạng của T/C ở trần gian. Nói 1 cách đơn giản HT là chứng nhân cho Chúa ở thế gian và làm cho đức tin của các em nẩy nở.

Trước đây tôi vào HT không vì mục đích đó, tôi vào HT vì tôi thích lãnh đạo, thích chứng tỏ uy quyền và khả năng của mình, bỏ đi sự nhút nhát và thích được mọi người nể phục

4 năm vào HT tôi nhận ra rằng đó không phải là mục đích chính của mình, trước kia tôi là 1 người rất ghét trẻ con, tôi thấy trẻ con thật ồn ào và bực bội. Tôi cũng không tin câu nói “Ghét của nào trời trao của đó” .Ghét thiếu nhi mà vô HT thì là 1 chuyện rất hoang đường nhưng có điều lạ là khi tôi vào HT tôi hoà nhập với mọi người rất nhanh và như trong tôi có 1 tình yêu mãnh liệt nào đó thúc đẩy, tôi bắt đầu biết hy sinh nhiều hơn, biết sống vì người khác nhiều hơn, biết cười, biết khóc, yêu, ghét ,giận, hờn, biết thứ tha, biết nhịn nhục…Nghe có vẻ như tôi là 1 đứa trẻ mới được sinh ra và mới biết yêu lần đầu.

Có những lúc thiếu nhi không biết vâng lời, có những lúc đứng giữa nhà thờ mà rơi nước mắt, có những lúc thấy mình sao lại hy sinh vì mục đích vô căn cứ để rồi chẳng nhận được 1 đồng xu nào. Ngày thứ 7, Chúa Nhật…người ta đi chơi cùng bạn bè tôi lại điên khùng đến nhà thờ để họp hay làm 1 công việc nào đó. Nhưng sau đó ngồi bình tâm suy nghĩ lại tôi nhận thấy Chúa đã bồi đắp lại cho tôi những điều khác. Chúa cho tôi sức khoẻ, cho HT chúng tôi đoàn kết, yêu thương nhau, gắng bó và hạnh phúc, tình Cha con, tình anh em, chị em, tình bạn bè và lớn lao hơn là tình yêu của Thiên Chúa.

Sau nhiều năm làm việc và gắng bó với HT tôi thấy mình cũng còn nhiều thiếu xót, chưa thật sự nổ lực hết mình với công việc, chưa nhiệt tâm và nhiệt tình đặc biệt là ở năm học cuối cấp này và tôi biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Ngày 24/10/2009. Chúng tôi (17 anh chị em) của giáo xứ Chính Tòa cùng nhiều anh, chị, bạn bè ở các giáo xứ khác đã cùng nhau cắm trại và thăng cấp. Nói vui như Cha Long (chánh xứ Rạng): “ 2 sao mà có viền nữa thì trở thành trung tướng hết rồi” hehe..trong HT mà cũng thăng cấp quân hàm nữa. Nghe có vẻ “oắch” quá nhưng chúng tôi biết khi Cha đọc câu: “Anh chị hãy bước tới 1 bước“ rồi chúng tôi bắt đầu trịnh trọng tuyên hứa trước Chúa và cộng đoàn thì chúng tôi biết mình đã vác thập giá nặng hơn, và trách nhiệm cũng như công việc nhiều hơn.

Tôi biết con đường thập giá của mình nặng lắm, còn cả 1 con đường dài đầy chông gai, khó khăn, nước mắt ở phía trước và Tôi cũng biết mình càng phải nổ lực nhiều hơn nữa với “sứ mệnh” và đời sống “chứng nhân” cho Chúa ở đời này, dù mai này tôi có đi xa, tôi có đến 1 vùng đất lạ để học tập thì tôi vẫn sẽ không bao giờ quên “sứ mệnh” của mình.Tôi sẽ luôn nhắc nhở mình rằng: “ PHỤC VỤ LÀ CHO KHÔNG, PHỤC VỤ LÀ QUÊN MÌNH, PHỤC VỤ KHÔNG CẦN BÁO ĐÁP, PHỤC VỤ ƠN NGHĨA KHÔNG CHỜ…”
Thu Hương
Lượt xem:

Free Web Site Counter

Người đang theo dõi blog này

Powered By Blogger