Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Gio-an làm chứng trong Giáo Hội

Thứ Bảy tuần 7 Phục Sinh
Ga 21,20-25 :
Đề tài 1 : Thánh Gio-an


1. "Còn Gio-an thì sao?" (c 22) :
- Phê-rô biết mình phải theo CG cho đến chết và ngài muốn hỏi để biết số phận của người anh em là Gio-an (Achille Deegest thì cho rằng Phê-rô, qua câu hỏi đó, cho thấy một chút lo ngại về vai trò cạnh tranh của Gio-an).
- CG không muốn trả lời nên Ngài chỉ nói :"Giả như Thầy muốn anh ấy ở lại cho đến khi Thầy đến thì việc gì đến con?"(c 22). Ta cũng có thể hiểu là CG muốn Phê-rô lo đến mình, không cần lo quá nhiều chuyện của kẻ khác.
2. "Không đủ sách để viết"(c 25) :
- Câu nói có nghĩa là loài người không bao giờ hiểu hết về CG, Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc nhân loại.
- CTT sẽ giúp chúng ta và mọi người nhận biết CG nhiều hơn.
Bài học : Hãy luôn đọc và tìm hiểu Thánh Kinh.


Đề tài 2 : "Phần ngươi, hãy theo Ta" (c 22)
1. Phê-rô phải chết vì đạo :
- Với câu nói nầy, CG cho Phê-rô biết là ông sẽ chết cách nào : Tử đạo.
- Phê-rô đã tử đạo ở Rô-ma, thời hoàng đế Nê-rô.
2. CG kêu mời chúng ta "Hãy vác thánh giá mình mà theo Ngài"(Mt 16,24) :
- Ít người được chọn vì không dám đáp lời mời của Chúa cho đến cùng như Phê-rô.
- Mỗi người chỉ có một linh hồn nên hãy tìm mọi cách để giữ linh hồn của mình.
Bài học : Đừng ngại gian khó.

Lm. Phêrô Mai Tính SB59

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Người môn đệ Chúa yêu (Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê)

Thứ sáu Tuần VII Phục Sinh


Giữa Lễ Phục Sinh và Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống thường chọn tin mừng thánh Gioan. Trong những ngày cuối, trước lễ Chúa Thánh Thần, tin mừng ngày thường trích từ những đoạn cuối của tin mừng Gioan. Tin mừng hôm nay và ngày mai nói đến cuộc gặp gỡ sau cùng của Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài. Cuộc gặp gỡ được ghi dấu bằng lòng yêu thương trìu mến. Đức Giêsu hỏi Phêrô ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Chỉ sau khi ông Phêrô trả lời quả quyết, Đức Giêsu mới trao cho ông sứ mạng chăm sóc các con chiên. Để có thể làm việc trong cộng đoàn kitô, Đức Giêsu không hỏi chúng ta nhiều điều. Ngài chỉ hỏi một điều: đó là có yêu mến Ngài nhiều không.

Tình yêu là trung tâm của sứ vụ. Sau một đêm chẳng bắt được con cá nào, khi lên bờ, các môn đệ đã thấy Đức Giêsu chuẩn bị sẵn bánh và cá. Cùng ngồi ăn, Chúa Giêsu mới hỏi Phêrô ba lần trước khi trao cho ông sứ mạng chăn dắt đàn chiên. Ngài không hỏi Phêrô đã học thần học hay kinh thánh, luân lý hay giáo luật. Nhưng chỉ hỏi: Con có yêu mến Thầy không? Tình yêu chiếm chỗ nhất. Trong cộng đoàn của thánh Gioan sức mạnh nâng đỡ và duy trì sự hiệp nhất không phải là giáo lý mà là tình yêu.

Từ tình yêu là một trong những từ ngay nay được xử dụng nhiều. Nhưng lại là từ bị dùng cách hoang phí nhất. Yêu trước hết là một cảm nghiệm sâu xa về mối liên hệ giữa các cá nhân: vui, buồn, sướng, khổ, phát triển, từ chối, hiến thân, thực hiện, trao ban, sống, chết…Tất cả được gồm tóm trong một từ kinh thánh do thái Hesed. Rất khó dịch cho đúng. Thường được dịch là bác ái, yêu thương, trung thành và tình yêu.

Thánh Gioan định nghĩa tình yêu: Căn cứ vào điều này mà ta nhận biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm (1 Ga 3,16-17). Ai sống yêu thương và diễn đạt tình yêu qua lời nói và cử chỉ, người ấy trở thành Người Môn Đệ Chúa yêu.

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê SB66

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Chúa Thánh Thần sẽ đến (Lm. Phêrô Mai Tính)

Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh
Ga 16,4b-11 :

Đề tài 1 : Bàn về thế gian
(Theo Achille Deegest)
1. Thế gian và CTT :
- Thế gian thường hiểu là các vật thụ tạo, nhất là nhân loại, con người.
- Thế gian trong bài PÂ hôm nay là lực lượng chống đối TC, là lực lượng gian ác, kiêu ngạo, chối bỏ sự thật
2. CTT và thế gian :
- CTT dạy ta phân biệt đâu là xấu, đâu là tốt.
- CTT dạy ta không được thỏa hiệp với thế gian, với điều xấu
Bài học : CTT sẽ vạch cho thấy đâu là sai trái nên phải lắng nghe Ngài.


Đề tài 2 : Ba điều CTT loan báo

1. Về tội lỗi : CTT cho biết người người Do Thái và thế gian đều có tội vì không tin CG và đã giết Ngài.
2. Về sự công chính : CTT cho biết CG là đấng công chính nên Ngài đã lên trời, đã về với Chúa Cha. Nếu không công chính thì làm sao có thể lên trời trong vinh quang.
3. Về sự xét xử : Qua cái chết, CG đã sống lại. Ngài đã chiến thắng ma quỉ và đã xét xử thủ lãnh thế gian là ma quỉ. Ngài xét ai không giũ luật Ngài.
Bài học : Hãy xin ơn Chúa ban thêm đức tin.

Lm. Phêrô Mai Tính SB59

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

Xin lỗi Mẹ (Tiểu Thư)

Đêm nay thật la yên tĩnh. Hình như có một cái gì đó đang thôi thúc Tôi viết những dòng chữ này. Đêm nay tôi nằm bên canh Mẹ. Tôi nghĩ, Chúa đang bảo Tôi ngồi giậy thì phải. Lâu lắm rồi tôi mới nhìn kĩ khuôn mặt của Mẹ. Người Mẹ đang từng đêm thao thức, suy nghĩ mong muốn làm sao khi Con của MẸ trên bước đường đời không bị vấp ngã, nếu có ngã thì Mẹ sẽ là người đỡ con đứng giậy, muốn dành cho con những gì tốt nhất. Có gì đó cứ làm con tim của Tôi đập liên hồi. Tôi nghĩ về lúc mà Tôi muốn có một cái áo mới mà Tôi không có tiền mua, trong lúc nhà Tôi khó khăn, chỉ vì tôi thích mà Mẹ đã đi vay tiền để mua cho Tôi, mẹ chỉ mong tôi có nụ cười trên môi. Buổi sáng Mẹ thường thức giậy rất sớm, Mẹ giặt đồ, rửa chén…làm hết tất cả công việc, Mẹ không hề kêu Tôi giậy để phụ Mẹ làm việc, Mẹ muốn cho Tôi có một giấc ngủ ngon, Mẹ gánh vác hết tất cả mọi việc. Có những lúc Tôi làm Mẹ giận, nhưng khi thấy Tôi bệnh, những cái giận không còn quan trọng nữa, Mẹ chạy tới, chạy lui, mua thuốc, xoa vào chỗ đau rồi nhẹ nhàng hỏi “Con thấy trong người sao rồi” với đôi mắt đỏ hoe, đầy vẻ lo lắng. Ấy thế mà khi Mẹ mua thuốc về Tôi không chịu uống, Tôi rất ghét thuốc, Mẹ buồn biết là bao nhiêu khi Tôi không chịu nghe lời.
Đêm nay Tôi ngồi nhìn Mẹ, rồi những kí ức đó cứ tái hiện lại thật rõ ràng. Những giây phút đó ôi ấm áp làm sao, Mẹ Yêu Tôi như thế đó, mà chính Tôi lại là người làm cho mẹ buồn. Tôi còn nhớ rõ, nó như mới sảy ra ngay hôm qua vậy. Lần đó Tôi phải đi làm xa nhà, công việc đó là chính Mẹ đã nhờ người xin giúp Tôi. Lúc đó khi về tới nhà Mẹ nói với Tôi “Con được nhận rồi, ngày mai sẽ đi làm” . Nhưng sau khi nói xong câu đó, Mẹ, Mẹ Tôi đã khóc, khóc rất to, giống như một đứa trẻ, Tôi hỏi tại sao Mẹ khóc, Mẹ nghẹn ngào không nói nên lời. Nhưng chính bản thân Tôi quá khờ, Tôi không biết, Mẹ khóc vì sợ phải xa Tôi,Mẹ sợ Tôi chơi vơi một mình, Mẹ sợ Tôi đi xa ở một mình sẽ cảm thấy buồn, Mẹ sợ người ta sẽ bắt nạt Tôi vì Tôi chưa bao giờ đi xa nhà. Thế mà Tôi lại dửng dưng, Tôi nói “Con đi làm mà Mẹ khóc gì chứ”. Trời ơi cái tuổi 17, lớn rồi chứ có phải nhỏ nhoi gì nữa đâu, sao Tôi lại khờ đến như thế, giờ ngồi nghĩ lại.”Chúa ơi! Sao tội nghiệp cho Mẹ của con đến thế”. Lớn thêm một tuổi nữa thì Tôi mới nhận ra, cái tuổi 18 đã làm Tôi thức tỉnh, hiểu thêm rất nhiều điều. Tôi nhớ về cái ngày Tôi lần đầu tiên xa nhà, cái ngày mà Tôi nhìn Mẹ của Tôi với ánh mắy ngây ngô, mà hai hàng mi Tôi cứ ướt nhoè, Tôi không sao quên được cái ngày đó. Cái ngày mà người Mẹ sợ xa Con, sợ không có con ở trong vòng tay nữa không được che chở cho Con nữa. Bây giờ Tôi mới cảm giác được lúc đó Mẹ đã buốn thế nào, vậy mà bản thân Tôi chưa làm được gì cho Mẹ. Chỉ biêt ngủ giậy kêu “Mẹ ơi cho con tiền ăn sáng, Mẹ ơi con đói bụng, Mẹ ơi Con muốn có tiền để đi chơi...v.v”. Giờ đây Tôi lại nghĩ đến một điều không may, Tôi sợ lắm, sợ lắm, sợ một ngày nào đó Tôi không còn được gọi “Mẹ ơi”, Mẹ làm dùm con cái này, Mẹ cho Con xin Cái kia, Tôi sợ một ngày nào đó Mẹ sẽ…..Tôi chỉ nghĩ đến đó thì….. Tôi nghĩ từ đó đến giờ chắc Tôi làm Mẹ buồn nhiều lắm, Mẹ đã mong Tôi có những gì tốt nhất, thế mà nhứng lúc Tôi làm Mẹ buồn thì Tôi chẳng có một lời Xin Lỗi, còn tự cho Mình là đúng, sao bây giờ Tôi ghét bản thân Mình đến thế. Tôi cầu mong cái tuổi 18 này Tôi có thể giúp Mẹ nhiều hơn, hiểu Mẹ nhiều hơn để rồi đem niềm vui đến cho Mẹ chứ không phải là những giọt nước mắt. Giờ Tôi không biết nói gì hơn chỉ muốn ôm lấy Mẹ và nói “Mẹ ơi Con xin lỗi, Con yêu Mẹ nhiều lắm.
Đêm nay Tôi đã thức trắng để nhìn Mẹ, người Mẹ đã tảo tần nuôi Tôi 18 năm và những ngày sau này nữa, sao lúc này Tôi nghẹn lời mất rồi, Tôi chỉ muốn nhìn Mẹ, Ôi Mẹ của Con, người Mẹ mà Thượng Đế đã ban tặng cho Con, Con xin lỗi Mẹ.

18/05/2009
Tiểu Thư

Thánh Thần làm chứng cho Đức Giêsu (Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê)

Thứ hai Tuần VI Phục Sinh

Trong các chương 15-17, tin mừng thánh Gioan mở ra một viễn ảnh rộng lớn hơn nhóm tông đồ họp nhau trong bữa tối cuối cùng của Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha 'Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con' (Ga 17, 20). Các chương này nói đến tác động của Thánh Thần trong các cộng đoàn kitô sau Phục sinh.

Ga 15,26-27: Tác động của Thánh thần trong đời sống các cộng đoàn kitô. Việc đầu tiên Thánh Thần là làm chứng cho Đức Giêsu: 'Người sẽ làm chứng về Thầy'. Thánh Thần không phải là đấng thiêng liêng vô định. Không! Là Thần chân lý phát xuất từ Chúa Cha, được chính Chúa Giêsu gởi đến, Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta đi vào sự thật toàn vẹn (Ga 16,13). Sự thật toàn vẹn là chính Đức Giêsu: 'Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống' (Ga 14,6).

Cuối thế kỷ thứ nhất, một ít kitô hữu bị hấp dẫn bởi hoạt động của Thánh Thần đến độ không còn nhìn thấy Đức Giêsu. Lúc đó họ quả quyết rằng, sau biến cố phục sinh, họ không cần nhìn vào Đức Giêsu Nagiarét, đấng mặc lấy thân xác nhân loại nữa. Họ rời xa Đức Giêsu và chỉ gắn bó với Thánh Thần mà thôi. Họ bảo: 'Đức Giêsu là đồ chúc dữ' (1 Cor 12,3). Tin mừng thánh Gioan có lập trường vững chắc không cho phép tách rời Thánh Thần khỏi Đức Giêsu Nagiarét. Thánh Thần không thể bị tách, biệt lập hoàn toàn khỏi mầu nhiệm nhập thể. Thánh Thần kết hợp cách bất khả phân ly với Chúa Cha và Chúa Giêsu. Và Thần khí của Đức Giêsu mà Cha gởi đến cũng chính là Thần Khí mà Đức Giêsu thủ đắc cùng với cái chết và sự sống lại của Ngài. Và chúng ta, khi đón nhận Thần Khí đó qua bí tích thánh tẩy, chúng ta là gạch nối dài của Đức Giêsu: 'Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng'. Đừng quên rằng, trong buổi tối cuối cùng, Đức Giêsu hứa ban cho chúng ta Thần Khí. Giây phút mà Ngài tự hiến mình cho anh em. Ngày nay, phong trào đặc sủng nhấn mạnh đến tác động của Thánh Thần, là điều tốt. Cần luôn lưu tâm hơn nữa, nhưng phải nhấn mạnh rằng đó là Thần Khí của Đức Giêsu Nagiarét; vì yêu thương những người nghèo và bị loại bên lề xã hội, Ngài đã bị bách hại và lên án tử và từ đó, đã hứa ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta, để sau cái chết của Ngài, chúng ta tiếp tục hành động của Ngài và nhờ lòng khiêm nhu, chúng ta sẽ là chính mạc khải tình yêu đặc biệt của Cha dành cho những người nghèo và kẻ bị áp bức.

Ga 16,1-2: Anh em đừng sợ. Tin mừng loan báo trước rằng khi sống trung thành với Đức Giêsu chúng ta sẽ gặp thử thách. Các môn đệ bị đuổi ra khỏi hội đường. Bị lên án chết. Như đã từng xảy ra cho Đức Giêsu. Nên cuối thế kỷ thứ nhất, có những người, muốn tránh né sự bách hại, đã làm 'loãng' đi sứ điệp của Đức Giêsu bằng cách biến nó thành một sứ điệp ngộ đạo thuyết, mơ hồ, vô định [như thế sẽ không đi ngược lại với ý thức hệ của đế quốc la mã]. Đúng như lời thánh Phaolô viết: 'Họ sợ thập giá Đức Kitô' (Gal 6, 12). Và trong thư, thánh Gioan cũng đề cập đến: 'Vì có nhiều người mê hoặc đã lan tràn thế gian, họ là những kẻ không tuyên xưng Đức Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm. Đó là kẻ mê hoặc và tên phản kitô. (2 Ga 1,7). Cũng một ưu tư ấy, trong yêu sách của Tôma: 'Nếu tôi không thấy lỗ đinh nơi tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin' (Ga 20,25). Đức Kitô phục sinh, đấng hứa ban ơn Thần Khí cho ta chính là Đức Giêsu Nagiarét, cho đến nay, vẫn tiếp tục mang trên thân thể phục sinh của Ngài những dấu tích của khổ hình và thập giá.


Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê SB66

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Áo đồng phục cho thiếu nhi

Xin được thông báo đến các em thiếu nhi trong giáo xứ Chính Toà cũng như ngoài giáo xứ,
Hiện nay đã có áo đồng phục cho thiếu nhi Thánh Thể,
Giá áo là 35.000/ 1 áo (cho thiếu nhi ngoài giáo xứ)
Giá 30.000/ 1 áo (cho thiếu nhi giáo xứ Chính Toà)
Nhưng hiện nay chỉ có áo từ số 5 trở xuống, tức là khoảng các em học lớp 6 trở xuống. Còn áo lớn hơn thì chưa có.






Thế gian sẽ ghen ghét (Lm. Phêrô Mai Tính)

Thứ Bảy tuần 5 Phục Sinh

Ga 15,18-21 :


Đề tài 1 : Bắt đạo là ngăn cản ta đến với Chúa.


1. Ngày nay, ta không bị bắt đạo là truy nã và giết chết như ngày xưa.
2. Ngày nay, có nhiều hình thức bắt đạo mà ta không ngờ : TV, games, khu giải trí…
Bài học : Hãy sáng suốt để nhận định và xa lánh.


Đề tài 2 : Bị ghét

1. "Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước"(c 18)
2. Bị ghét vì "anh em không thuộc về thế gian" (c 19)
3. Bị ghét vì "họ không biết đấng đã sai Thầy" (c 21)
Bài học : Hãy cứ làm điều tốt, hữu ích là được.

Lm. Phêrô Mai Tính SB59

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Sao con không có lời ru (Tây Nguyên)

Đã là người thì ai cũng được thấy mặt cha mẹ của mình, ai cũng được thấy mặt trời, ai cũng có những tuổi thơ hồn nhiên hạnh phúc. Đã là đứa con trong gia đình ai mà chẳng được gọi tiếng Mẹ ơi! Cha ơi!. Ấy vậy mà trong cuộc đời này lại có những người con chẳng bao giờ được diễm phúc ấy, thậm chí ngay lời mẹ ru ầu ơ của tuổi đầu đời cũng không có. Bài hát “Sao con không có lời ru?” sẽ thay lời cho những con người xấu số ấy để đặt câu hỏi “tại sao”, và những con người ấy đã có tội tình gì, tội tình gì mà phải chịu thiệt thòi đến thế.
TÂY NGUYÊN

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Biết CG là biết TC

Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh
Ga 14,7-14 :

Đề tài 1 : CG là TC


1. CG là con người, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi :
- "Thầy ở với các con bấy lâu"(c 9 )
- CG cư xử với các môn đệ như người trong nhà.
2. CG là TC :
- "Nếu các con biết Thầy thì cũng biết Cha Thầy"(c 7)
- "Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy"(c 10 )
Bài học : Hãy nói về CG như TC.


Đề tài 2 : Tìm biết TC
1. Người Do Thái ước ao biết TC :
- Người Do Thái coi trọng Luật vì Luật là môi giới giúp họ biết TC.
- CG dạy họ là Chúa Cha tỏ hiện trong chính Ngài, chứ không bằng những biểu dương huy hoàng như Kinh Thánh thuật lại nữa. Do đó, họ không hiểu.
2. Điều kiện để nhận ra CG là TC :
- "Hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy" (c.11)
- "Hãy tin việc CG làm" (c. 11)
Bài học : Hãy luôn tìm hiểu để biết Chúa.

Lm. Phêrô Mai Tính SB59

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

Đường dẫn đến Cha

Thứ sáu Tuần IV Phục Sinh



Từ ngữ 'Thiên Chúa' có vẻ lạnh lùng và gợi lên sự xa cách. Tiếng gọi 'Cha' mang đầy tình cảm yêu thương: là từ ngữ riêng của Mạc Khải. Người ta kính sợ Thiên Chúa vì sự thánh thiện của Ngài, sự thánh thiện như lời trách cứ chúng ta, những con người phàm tục. Chúng ta nhạy cảm hơn với từ 'Cha'. Hàm ý sự bảo vệ làm vững lòng và tình yêu thương. Trong nhà Cha chúng ta cảm thấy như ở nhà mình vậy, cảm thấy thoải mái, được bảo đảm. Đấy chính là công trình của tình yêu: biến đổi một ngôi nhà thành nhà riêng mình và biến kẻ tôi tớ trở thành người con.

Ông Tôma thưa với Chúa: 'Làm sao chúng con biết đường đi'? Chúa trả lời: 'Thầy là đường'. Đức Kitô nói rõ vai trò của Ngài, và chúng ta biết rằng Ngài không đến trần gian vì chính mình Ngài mà vì chúng ta. Nhà của Ngài là nhà của chúng ta, Cha Ngài là Cha của chúng ta. Giáo lý kitô giáo thật là đơn giản! Chúng ta không bước đi một mình, không người hướng đạo. Đức Kitô cho chúng ta đôi tay của Ngài: một tay chỉ đường, một tay nâng đỡ chúng ta trên suốt hành trình. Đó là tất cả những gì mà khách bộ hành cần đến: Là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê SB66

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

Đầy tớ không trọng hơn chủ

Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh

Ga 13,16-20 :


Đề tài 1 : Tôi tớ không hơn chủ (c.16)
1. Khiêm nhượng, không coi thường : chủ là CG rửa chân cho tớ là các môn đệ.
2. Câu nói xảy ra sau rửa chân : CG dạy môn đệ phục vụ, không giành nhau, không đòi hơn thua.
Bài học : Hãy biết mình.


Đề tài 2 : Đau lòng

1. Phản bội :
- "Kẻ đã chia cơm xẻ bánh lại giơ chân đạp con" (c.18 ).
- Trong thực tế vẫn có như thế.
2. Tin hay không tin con người :
- Không tin nhau thì làm sao có thể sống với nhau.
- Đừng quá tin kẻo mang họa.
Bài học : Hãy xử đẹp với nhau.

Lm. Phêrô Mai Tính SB59

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2009

Hình ảnh ngày trại huấn luyện Huynh Trưởng

Hình ảnh ngày trại huấn luyện Huynh Trưởng tại nhà thờ Rạng, ngày 30.4 đến 1.5.2009

Phần 1

Phần 2

Ngành Ấu tuyên hứa và đeo khăn

Hôm nay, Chúa Nhật IV Phục Sinh, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngành Ấu tuyên hứa và đeo khăn.
Bấm vào đây để xem hình

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu lần thứ 46


 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

nhân ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu lần thứ 46

"Tin vào sáng kiến của Thiên Chúa, con người đáp trả"

Anh em trong thừa tác vụ giám mục và linh mục thân mến,

Anh chị em thân mến !

Nhân Ngày Thế Giới cầu nguyện cho các ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến sắp đến, sẽ được cử hành vào ngày 03.05.2009, Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh, tôi muốn mời gọi toàn thể Dân Chúa suy nghĩ về đề tài: "Tin vào sáng kiến của Thiên Chúa, con người đáp trả". Lời Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ của Ngài đang vang dội không ngừng trong Giáo Hội: "Hãy cầu xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về" (Mt 9, 38). Hãy cầu xin! Lời kêu gọi cấp bách của Chúa nhấn mạnh phải không ngừng cầu nguyện cho các ơn gọi với lòng tin tưởng. Thực vậy, chỉ khi chuyên tâm cầu nguyện, cộng đồng kitô hữu mới "có thêm đức tin và đức cậy vào Thiên Chúa quan phòng" (Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 26).

Ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến là một ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa nằm trong kế hoạch tình yêu và cứu độ bao la của Thiên Chúa đối với mỗi người và toàn thể nhân loại. Thánh Phaolô tông đồ, mà chúng ta tưởng nhớ cách đặc biệt trong Năm Phaolô - kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của ngài, đã viết như sau trong thư gởi tín hữu Êphêsô: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người." (Ep 1, 3-4)

Trong lời mời gọi nên thánh dành cho mọi người, đặc biệt Thiên Chúa có sáng kiến gọi một số người bước theo Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô gần gũi hơn để trở nên những thừa tác viên và chứng nhân ưu tuyển của Ngài.

Thầy Giêsu đã đích thân kêu gọi các Tông đồ "để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ" (Mc 3, 14-15); đến lượt họ, những người này lại quy tụ các môn đệ khác làm cộng tác viên trung thành trong sứ vụ này. Bằng cách ấy, qua bao thế kỷ, biết bao linh mục và tu sĩ đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa, và ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần tác động; họ đặt mình hoàn toàn phục vụ Tin Mừng trong Giáo Hội. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì ngày nay Người vẫn còn tiếp tục kêu gọi thợ vào làm vườn nho của Ngài. Quả thực tại một số nơi trên thế giới, tình trạng thiếu linh mục là hiển nhiên và gây ra lo lắng và Giáo Hội gặp những khó khăn và trở ngại; nhưng chúng ta vẫn xác tín rằng Chúa dẫn dắt Giáo Hội cách chắc chắn trên những nẻo đường của lịch sử hướng đến sự hoàn tất Vương Quốc chung cuộc, Ngài tự do chọn lựa những người thuộc mọi văn hóa và tuổi tác và mời gọi họ bước theo Ngài, theo kế hoạch mầu nhiệm của lòng thương xót nhân từ của Ngài.

Bởi thế, bổn phận trước hết của chúng ta là phải không ngừng cầu nguyện để xin cho sáng kiến này của Thiên Chúa luôn sống động nơi các gia đình và các giáo xứ, nơi các phong trào và hiệp hội tông đồ, nơi các cộng đoàn tu trì và nơi tất cả các cơ cấu của đời sống giáo phận. Chúng ta phải cầu nguyện để toàn dân Kitô hữu lớn lên trong niềm tín thác vào Thiên Chúa, tin rằng "chủ mùa gặt" không ngừng xin một số người tự ý đem cả đời mình phục vụ Người để cộng tác chặt chẽ hơn với Người vào sứ vụ cứu độ.

Và về phía những người được kêu gọi, cần biết chăm chú lắng nghe, khôn ngoan phân định, quảng đại gắn bó với dự phóng của Thiên Chúa, và học hỏi kỹ lưỡng những gì thuộc về ơn gọi linh mục và tu sĩ để có thể đáp lại với tinh thần trách nhiệm và xác tín.

Giáo lý Giáo Hội Công giáo nhắc nhở rất đúng rằng sáng kiến tự do của Thiên Chúa đòi hỏi con người tự do đáp trả, một lời đáp trả tích cực luôn giả thiết việc nhận biết và đón nhận kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho mỗi người, lời đáp trả biết tiếp đón sáng kiến tình yêu của Chúa, lời đáp trả trở nên cho người được kêu gọi một mệnh lệnh luân lý ràng buộc, một của lễ tạ ơn Thiên Chúa và một sự cộng tác trọn vẹn với kế hoạch mà Ngài thực hiện trong lịch sử (x. số 2062).

Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm diễn tả một cách cao cả ân huệ tự do của Chúa Cha trong Ngôi vị của Người Con Duy Nhất của Ngài để cứu chuộc nhân loại, và việc Chúa Kitô hoàn toàn sẵn sàng uống cạn "chén" Thiên ý (x. Mt 26, 39), chúng ta sẽ hiểu rõ hơn việc "tin vào sáng kiến của Thiên Chúa" trở thành khuôn mẫu và mang lại giá trị cho "lời đáp trả của con người" như thế nào. Trong Thánh Thể, ân huệ hoàn hảo hoàn tất kế hoạch yêu thương để cứu chuộc thế gian, Chúa Giêsu tự do dâng hiến chính mình để cứu nhân loại. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã viết: "Giáo Hội đã lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô Chúa của mình không phải như một ân huệ – cho dầu cao quý đến đâu – trong nhiều ân huệ, nhưng như là ân huệ tuyệt hảo, vì Thánh Thể ban tặng chính mình Chúa Kitô, con người của Ngài trong nhân tính thánh thiện của mình, và công trình cứu độ của Ngài nữa." (Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 11).

Các linh mục được kêu gọi lưu truyền mãi mãi mầu nhiệm cứu độ này qua các thế kỷ cho đến khi Chúa trở lại trong vinh quang, vì chính trong Chúa Kitô Thánh Thể mà các ngài có thể chiêm ngắm khuôn mẫu hoàn hảo của một "cuộc đối thoại ơn gọi" giữa sáng kiến tự do của Chúa Cha và lời đáp trả trung thành của Chúa Kitô. Trong việc cử hành Thánh Thể, chính Chúa Kitô đang hành động nơi những người mà Ngài chọn làm thừa tác viên; Ngài nâng đỡ họ để họ có thể đáp trả trong tâm tình tin tưởng và biết ơn mà không phải sợ hãi, ngay cả khi họ cảm thấy yếu đuối, (x Rm 8, 26-28) bị hiểu lầm, hay bị bách hại (x. Rm 8, 35-39).

Mỗi Thánh Lễ nuôi dưỡng nơi các tín hữu và đặc biệt nơi các linh mục ý thức được tình yêu Chúa Kitô cứu rỗi; ý thức ấy không thể không khơi lên trong họ một sự phó thác tin tưởng vào Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình vì chúng ta. Do đó, tin vào Chúa và đón nhận ân huệ của Ngài khiến chúng ta phó thác cho Ngài với lòng biết ơn, bằng cách gắn bó với kế hoạch cứu độ của Ngài. Khi điều đó xảy đến, thì "người được kêu gọi" vui lòng từ bỏ tất cả và tuân theo giáo huấn của Thầy; từ đó bắt đầu cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, nảy sinh cuộc gặp gỡ huyền nhiệm giữa tình yêu của Chúa, Đấng kêu gọi, và sự tự do của con người đáp trả Ngài trong tình yêu đang khi vang vọng lại nơi tâm hồn mình những lời của Chúa Giêsu: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại" (Ga 15, 16)

Cuộc trao đổi tình yêu này giữa sáng kiến của Thiên Chúa và lời đáp trả của con người cũng hiện diện cách tuyệt diệu nơi ơn gọi đời sống thánh hiến. Công đồng Vatican II nhắc lại: "Những lời khuyên Phúc Âm về đức khiết tịnh để hiến mình cho Thiên Chúa, về đức nghèo khó và vâng lời, đều đặt nền tảng trên lời nói cùng gương lành của Chúa, đã được các Tông đồ và các Giáo phụ, các tiến sĩ và các chủ chăn Giáo Hội khuyên giữ. Các lời khuyên ấy là ân huệ thần linh mà Giáo Hội đã nhận lãnh từ nơi Chúa mình và luôn gìn giữ nhờ ơn Người" (Hiến chế Lumen Gentium, số 43).

Cả ở đây nữa, Chúa Giêsu là khuôn mẫu của sự gắn bó trọn vẹn và tin tưởng vào ý Chúa Cha, mà mỗi tu sĩ phải nhìn ngắm. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều người nam và người nữ được Ngài lôi kéo, đã từ bỏ gia đình, tài sản, của cải vật chất và tất cả những gì mà con người ước mong, để quảng đại bước theo Chúa Kitô và sống Tin Mừng không thỏa hiệp, Tin Mừng đã trở nên một trường học nên thánh triệt để cho họ. Ngày nay nữa, nhiều người đang đi cùng một con đường hoàn thiện đầy đòi hỏi này của Tin Mừng và đang thể hiện ơn gọi của họ bằng việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm. Chứng tá của những anh chị em này, trong các đan viện thuộc đời sống chiêm niệm cũng như trong các dòng tu và hội đời sống tông đồ, nhắc nhở cho dân Chúa "mầu nhiệm của Vương Quốc Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử rồi, nhưng còn chờ đợi mang lấy chiều kích trọn vẹn của nó trong Nước Trời" (Tông huấn Vita Consecrata, số 1)

Ai có thể cho mình là xứng đáng đạt tới thừa tác vụ linh mục ? Ai có thể ôm lấy đời sống thánh hiến mà chỉ dựa vào sức riêng mình? Một lần nữa, thật hữu ích để nhắc lại rằng lời đáp trả của con người trước tiếng gọi của Thiên Chúa – khi người ta ý thức rằng chính Thiên Chúa có sáng kiến và hoàn tất kế hoạch cứu độ – không hề giống như người đầy tớ lười biếng đã sợ hãi đem nén bạc được giao phó cho mình chôn vùi dưới đất (x. Mt 25, 14-30), nhưng là một sự gắn bó mau mắn với lời mời gọi của Chúa, như thánh Phêrô đã làm khi ngài đã không do dự thả lưới một lần nữa để tín thác vào lời Chúa, dù đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì (x. Lc 5, 5). Như thế, con người tự do đáp trả lời Thiên Chúa và không hề chối bỏ trách nhiệm cá nhân của mình, để trở nên "đồng trách nhiệm", trách nhiệm trong và với Chúa Kitô, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần; lời đáp trả ấy trở nên sự hiệp thông với Đấng làm cho chúng ta có khả năng trổ sinh nhiều hoa trái (x. Ga 15, 5).

Một lời đáp trả điển hình của con người, hoàn toàn tin tưởng vào sáng kiến của Thiên Chúa, đó là lời thưa "Amen" (Xin Vâng) quảng đại và dứt khoát mà Đức Nữ Trinh Nazareth đã thốt lên trong sự gắn bó đầy khiêm tốn và cương quyết với chương trình của Đấng Tối Cao mà thần sứ đã truyền tin cho Mẹ (x. Lc 1, 38). Lời "Xin Vâng" mau mắn của Mẹ cho phép Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Đấng Cứu Độ của chúng ta. Sau lời "Xin vâng" đầu tiên đó, Đức Maria đã phải lập lại lời ấy biết bao lần, cho đến tận cao điểm là lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh, khi Mẹ "đứng kề thập giá", tham dự vào nỗi đau tột cùng của người Con vô tội của Mẹ, như thánh sử Gioan ghi lại. Và chính trên thập giá, Chúa Giêsu đang hấp hối đã ban tặng Người để làm Mẹ chúng ta và giao phó chúng ta cho Mẹ để làm con Mẹ (x. Ga 19, 26-27), đặc biệt Người là Mẹ của các linh mục và của các tu sĩ. Tôi xin phó thác cho Mẹ tất cả những ai đang lắng nghe tiếng Chúa gọi để bước đi trên con đường thiên chức linh mục thừa tác hay đời sống thánh hiến.

Các bạn thân mến, đừng nản lòng trước những khó khăn và nghi ngại; hãy tin tưởng vào Chúa và trung thành bước theo Chúa Giêsu, và các bạn sẽ là chứng nhân của niềm vui tuôn trào từ sự kết hiệp thân mật với Ngài. Bắt chước Đức Trinh Nữ Maria, mà các thế hệ tung hô là diễm phúc bởi vì Mẹ đã tin (x. Lc 1, 48), các bạn hãy dùng hết sức mạnh tinh thần để dấn thân thực hiện kế hoạch cứu độ của Cha trên trời, bằng cách nuôi dưỡng trong tâm hồn mình khả năng biết ngạc nhiên và thờ lạy Đấng có quyền thực hiện "những điều cao cả" bởi vì danh Ngài là Thánh (x. Lc 1, 49).

Vatican, ngày 20 tháng Giêng năm 2009

BÊNÊĐICTÔ XVI

(Bản dịch của Dominik)

Lượt xem:

Free Web Site Counter

Người đang theo dõi blog này

Powered By Blogger